CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Mô hình trồng cây cam sành xen kẻ Quýt hồng tại xã Vĩnh An, huyện Châu thành

02:30 21/09/2019

Từ nhiều năm trồng lúa, anh Trần Thanh Nhã, xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, nhận thấy kém hiệu quả, năng suất thấp, chi phí vật tư nông nghiệp tăng cao, hơn nữa giá cả bấp bênh thường rớt giá vào lúc thu hoạch, lợi nhuận thu về mỗi vụ mùa canh tác rất thấp. Chính vì thế, anh luôn trăn trở làm thế nào để tăng thêm lợi nhuận trên chính diện tích đất canh tác của mình. Với tính cần cù của nhà nông và sự quyết tâm chịu khó học hỏi, năm 2014, anh Nhã đã mạnh dạn chuyển đổi 1,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả của mình sang trồng cây cam sành và quýt hồng.

Anh Nhã đầu tư, thiết kế vườn của mình khá quy mô với hệ thống đê bao bao khép kín, nhiều mô liếp, cùng với cống rãnh thoát nước và hệ thống phun tưới tự động để phù hợp với cây trồng và đỡ tốn công chăm sóc. Với diện tích 1,3ha, anh trồng khoảng 3.000 gốc cam sành và quýt Hồng. Trong đó, cây cam sành khoảng 2.800 gốc.

Nhờ am hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc, cũng như với sự hỗ trợ tích cực của ngành chuyên môn, nên vườn cam xen kẻ quýt hồng của anh Nhã hằng năm cho trái rất sai. Theo anh, từ thời điểm trồng đến 3 năm là cây cam sành và quýt hồng bắt đầu cho trái. Hiện tại, vườn của anh cho trái xen kẻ với nhau và tùy thuộc vào thời điểm, do vậy anh có thể chủ động đón giá cả và sản lượng cho trái quanh năm. Mỗi đợt, vườn cam thu hoạch trên 12 tấn (tùy vào thời điểm), thương lái thu mua với giá dao động từ 5.000 đồng đến 19.000 đồng/kg, mang về thu nhập cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Mặc dù lợi nhuận khá cao, tuy nhiên để chuyển đổi sang trồng vườn đòi hỏi phải tốn nhiều chi phí đầu tư. Theo anh Nhã cho biết, tổng chi phí đầu tư 1,3ha cam sành và quýt hồng khoảng 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên đến năm 2018 vừa qua, anh đã thu lại số vốn đầu tư. Theo anh Nhã, mô hình này lợi nhuận rất nhiều so với trồng lúa.

Minh Tân