CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Người tạo ra những dòng lúa cho An Giang

12:30 06/07/2020

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, An Giang. Trước đây, khoảng thời gian 1998-2000, ông Trần Thanh Hùng (Còn gọi là Năm Tùng) chưa có dịp tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật về sản xuất lúa cũng như sản xuất chọn tạo lúa giống, chỉ canh tác theo tập quán cũ là sạ dày, bón nhiều phân nhưng năng suất thấp vì không có giống tốt để sản xuất và chỉ biết lấy lúa hàng hoá làm giống. Từ khi được tham gia lớp tập huấn về chọn – tạo giống lúa vào năm 2004, đã thôi thúc ông Năm Tùng trong việc lai tạo ra các loại giống lúa mới với mục tiêu là chọn được một giống tốt để sản xuất, giúp bà con nông dân nâng cao năng suất, tăng thu nhập từ cây lúa.

Với sự đam mê đến nay, ông Năm Tùng đã nghiên cứu và lai tạo thành công được 15 giống. Có giống ông Năm Tùng nhận dòng phân ly của Viện Nghiên cứu và phát triển Đồng bằng sông Củu Long, có giống ông Năm Tùng tự lai. Hiện nay, ông Năm Tùng đã phóng thích ra sản xuất đại trà các giống Núi Voi (NV) như: NV1 đến NV24 và đang trồng thử nghiệm 61 dòng lúa để thanh lọc giống chịu hạn bước đầu cho kết quả rất tốt về tính chịu hạn. Đặc điểm của các giống NV do ông Năm Tùng lai – chọn là phẩm chất ngon, gạo trong, thơm nhẹ, có năng suất cao, mềm cơm được thị trường chấp nhận, vừa dễ tiêu thụ, giúp tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống nông dân. Không những thế việc lai tạo ra giống lúa mới còn làm phong phú thêm các loại giống cho sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Với những giống lúa đã lai tạo, trong đó giống lúa NV1 đã được Cục Trồng trọt công nhận “sản xuất thử” ở các tỉnh phía Nam (theo Quyết định số 387/QĐ-TT-CLT, ngày 17/8/2012). Giống lúa NV1 có thời gian sinh trưởng ngắn (95-100 ngày); chịu hạn và phèn tốt, kháng rầy nâu (cấp 3), cháy lá (cấp 4); Năng suất trung bình: 6 -7 tấn/ha; thích nghi rộng và có phẩm chất gạo ngon (thơm nhẹ, hạt gạo dài, bạc bụng thấp) được nông dân trong và ngoài tỉnh: Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang chấp nhận.

Và gần đây nhất là giống lúa AG1 đã được Cục Trồng trọt công nhận sản xuất thử giống lúa theo Quyết định số 10/QĐ-TT-VPPN ngày 11/01/2019. Giống lúa AG1 có thời gian sinh trưởng từ 90-95 ngày; năng suất trung bình đạt 7-8 tấn/ha; hàm lượng Amylose khoảng 14,6%, do đó chất lượng cơm mềm dẻo; thơm nhẹ; đặc biệt giống kháng được bệnh cháy lá cấp 1-3 và thích nghi được với đất phèn và mặn. Giống lúa này cũng đã được sản xuất tại một số huyện như: Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn với diện tích khoảng 500ha. Nông dân các tỉnh: Trà Vinh, Bạc Liêu, Tiền Giang, Long An cũng triển khai trồng giống lúa này.

Với những giống lúa đã lai tạo và đặc biệt là giống NV1 và AG1 đã được các chuyên gia của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long đánh giá là những giống lúa có tiềm năng để phát triển hàng hoá ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, ông Năm Tùng còn nhận được rất nhiều Giấy khen và Bằng khen từ Sở Nông nghiệp và PTNT, Đại học Cần Thơ, UBND tỉnh,…; Câu lạc bộ Nông dân xã Núi Voi do ông Năm Tùng phụ trách cũng đã 3 năm liền được UBND tỉnh An Giang tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, với kinh nghiệm thực tế và niềm đam mê, được sự giới thiệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – Đại Học Cần Thơ, năm 2008 và năm 2013, ông Năm Tùng đã tham dự hội nghị quốc tế tại Nicaragua, Thái Lan với vai trò là chuyên gia hướng dẫn nông dân lai tạo cây cao lương (Sorghum bicolor L.) giúp bà con nông dân tại nước sở tại cải thiện chất lượng và phục vụ nhu cầu về lương thực cho bà con nông dân.

“Bản thân Tôi mong muốn có thể lai tạo thêm nhiều giống lúa có lượng lượng gạo tốt hơn nữa để giúp bà con nông dân có cơ hội lưa chọn và có thêm nguồn giống phục vụ sản xuất, từ đó giúp tăng thu nhập, người nông dân có thể yên tâm trong cuộc sống với nghề trồng lúa; đồng thời phát triển, quảng bá sản phẩm lúa gạo được sản xuất từ An Giang. Để thực hiện những mong muốn đó, Tôi rất mong Quỹ tiếp sức tài năng An Giang hỗ trợ kinh phí để tôi trang bị máy xay gạo mẫu (kiểu máy SV-300R, xuất xứ Hàn Quốc, giá khoảng 45-50 triệu đồng/máy) để đánh giá phẩm chất các dòng lúa đã được lai tạo, tiết kiệm thời gian phải đập lúa bằng tay, lột vỏ bằng tay nhằm phục vụ tốt hơn cho việc lai tạo giống lúa", ông Năm Tùng tâm sự.

 

Hương ly – Trung tâm Khuyến nông An Giang