CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Độc chiêu mô hình trồng cỏ kiểu mới tại An Giang

11:00 15/05/2020

Lâu nay ở Đồng bằng sông Cửu Long, người ta thường nghe nói chuyện nông dân be bờ đấp ruộng hay lên đê bao trồng lúa, chứ chưa bao giờ nghe chuyện múc đê bao trồng cỏ bao giờ. Thế nhưng ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, một lão nông có cách làm kỳ lạ, rất độc đáo đó là ông Phó Văn Tới. Với cách làm kiểu mới, thông minh, ông Tới đã lên đê bao toàn vùng gần chục ha đất trồng lúa trước đây với kinh phí trên 250 triệu đồng để triển khai trồng cỏ chăn nuôi bò. Ông Phó Văn Tới cho biết.”Mặc dù khu này là vùng trồng lúa 3 vụ nhưng khi chuyển mùa từ Thu Đông sang Đông Xuân thì lúc đó nước rất là nhiều, ngập đồng cỏ. Do đó tôi phải làm đê bao, tận dụng hai bờ đê cao tôi trồng mít. Khi lên liếp như thế này thì đất hao. Thí dụ như 5ha còn lại chừng 3ha mặt bằng thôi nhưng bù lại năng suất cỏ rất cao”.

Dù đê bao chiếm diện tích lớn nhưng ngược lại mô hình trồng cỏ của ông Tới rất hiệu quả. Với cách làm thông minh, mới lạ, 3ha diện tích đất còn lại bên trong đê bao, ông Tới đã lên liếp để trồng cỏ xen lẫn trồng cây ăn trái, bên dưới là ao sâu để lấy nước tưới tiêu, đồng thời ông Tới dự kiến thả cá  để tăng thêm nguồn thu nhập. Giống cỏ mà ông Tới trồng là giống VA 06 và giống cỏ sả lá lớn. Đây là  2 giống cỏ rất sợ nước, rễ ăn sâu 2 mét nên ông Tới chỉ giữ mực nước ao tốt nhất là 1 mét, hằng tuần cỏ được tưới 1 lần, bên trong ruộng cỏ được chăm sóc, bón phân hữu cơ đều đặn nên phát triển rất nhanh. “Cỏ VA 06 tôi trồng bằng hom, lứa đầu tiên thì khoảng 2 tháng rưỡi mới thu hoạch đợt đầu, từ đó về sau là 45 ngày tôi thu hoạch 1 lần, mỗi một lần thì tính 1ha là 45 tấn. Mình trồng như thế này thì 4 năm, gốc cỏ thối hóa, hao hụt. Lúc đó mình dẹp rồi trồng lại cỏ khác bởi vì tôi có lượng phân hữu cơ rất dồi dào, mỗi năm tôi bón vào đây 2 đợt. Một ha tôi bỏ 20 tấn đến 30 tân. Phân hữu cơ ủ bằng vi sinh nên đất không bị bạc màu”, ông Phó Văn Tới cho biết thêm.

Mô hình trồng cỏ được ông Tới tận dụng làm thức ăn nuôi bò sinh sản và bò thịt. Theo tính toán,  một lần thu hoạch bình quân 45 tấn/ha, bò cái sinh sản 1 con mỗi ngày ăn từ 10 đến 15kg cỏ, còn bò sinh sản ăn mỗi ngày 20kg/con. Hiện tại trang trại nuôi bò của ông Tới có 160 con bò, như vậy sản lượng đồng cỏ thu hoạch hằng năm không đủ để chăn nuôi, chính vì vậy ông Tới phải thuê thêm 2ha đất khác để có nguồn dự trữ cung cấp lượng thức ăn kịp thời cho số lượng bò nuôi.

Nói về mô hình trồng cỏ thông minh, ông Nguyễn Thành Tâm, Cán bộ kỹ thuật Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành cho biết “Cỏ VA 06 là đối tượng phục vụ chăn nuôi được Bộ Nông nghiệp và PTNT cho phép trồng. Cỏ VA 06 cho năng suất cao, hàm lượng dinh dưỡng cho chăn nuôi cũng cao. Cây cỏ này là cây cỏ sống trên cạn. Để khắc phục ngập úng vào mùa Thu Đông thì ông Tới lên liếp cao như vầy thì trồng cỏ rất hiệu quả, thứ hai nữa là hệ thống mương tưới rất hoàn chỉnh. Hai điều này kết hơp nhau thì cây cỏ phát triển tốt trong mùa nắng lẫn mùa mưa, không bị ngập úng, đáp ứng được nhu cầu cung cấp thức ăn cho đàn bò  Đối với mô hình này tôi nhận định rằng ông Tới làm rất hợp lý và thông minh”.

 

Đàn bò thịt của ông Phó văn Tới

Nơi sản xuất thức ăn nuôi bò của ông Phó Văn Tới

Tận dụng nước trong đê bao tưới cỏ bằng dụng cụ hiện đại

Bảo Phong