CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Cây sài đất: Thảo mộc chữa “bách bệnh”

09:02 14/11/2018

Là loại cây mọc hoang ở nhiều tỉnh trong cả nước, sài đất lại có nhiều tác dụng chữa bệnh khiến nhiều người phải ngỡ ngàng. Theo Đông y, sài đất vị ngọt, hơi chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, tiêu độc, chữa viêm tấy ngoài da, mụn nhọt, sưng vú, rôm sảy, chốc đầu, đau mắt, giải độc, cầm ho, mát máu; thường được dùng chữa cảm mạo, sốt, viêm họng, viêm phế quản phổi, ho gà, tăng huyết áp, trĩ rò, phòng sởi, mụn nhọt.

Cây sài đất có tên khoa học là Wedelia chinensis (Osbeck) Merr. Thuộc họ Cúc – Asteraceae. Nhiều nơi gọi cây sài đất làHúng trám, Ngổ núi, Cúc nháp, Hoa múc. Có tên Húng trám vì khi vo, cây có mùi trám và được một số nơi dùng nó ăn sống như ăn rau húng. Người ta còn gọi là Ngổ núi vì cây giống cây rau ngổ lại mọc hoang trong núi. Tên Cúc nháp hay Cúc giáp vì hoa giống hoa cúc, lá và thân lại nham nháp.

Sài đất là loại cỏ sống dai, mọc lan bò, thân mọc lan tới đâu rễ mọc tới đấy. Thân màu xanh có lông trắng, cứng, nhỏ.    Cánh hoa màu vàng tươi.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, cây sài đất chứa rất nhiều thành phần hóa học rất tốt cho cơ thể. Dịch ép của cây chứa dầu hoà tan 11,2%, hợp chất béo 29,7%, phytosterol 3,75%; caroten 1,14%, chlorophylle 3,75%, nhựa 44,95% còn có đường, tanin, saponin, các chất có solice, pectin, mucin, lignin và các chất có cellulose. Trong lá có chất Wedelolacton, vừa là một flavonoid vừa là một cumarin. Còn có tinh dầu và muối vô cơ.

Sài đất được dùng toàn cây tươi hoặc khô (bỏ rễ) để chế biến thuốc. Thu hoạch quanh năm.

Dưới đây là một số bài thuốc từ cây sài đất:

               - Chữa rôm sảy trẻ em: Sài đất vò nát, pha nước tắm cho trẻ.

               - Chữa sốt cao: Sài đất 20 – 50g, giã nát, pha với nước uống, bã đắp vào lòng bàn chân.

               - Chữa sốt xuất huyết: Sài đất tươi 30g, kim ngân hoa 20g, lá trắc bá (sao đen) 20g, củ sắn dây 20g (có thể dùng lá sắn dây), hoa hòe (sao cháy) 16g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày 1 thang. Nếu sốt cao, khát nhiều, thêm củ tóc tiên (mạch môn) 20g.

               - Chữa viêm cơ (bắp chuối): Sài đất tươi 50g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang. Kết hợp với sài đất tươi, giã nát, đắp tại chỗ nơi bị sưng đau.

               - Chữa viêm tuyến vú: Sài đất 50g, bồ công anh 20g, kim ngân hoa 20g, thông thảo 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

               - Chữa viêm bàng quang: Sài đất tươi 30g, bồ công anh 20g, mã đề 20g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

               - Chữa mụn, lở, chàm: Sài đất 30g, kim ngân hoa, lá 15g, khúc khắc 10g, ké đầu ngựa 12g, cam thảo đất 16g. Sắc uống ngày một thang. Sài đất giã nát, để đắp lên mụn lở lại càng tốt.

               - Hỗ trợ chữa ung thư môn vị: Sài đất 30g, bán chi liên 30g, bạch hoa xà thiệt 30g. Sắc uống ngày một thang, chia 3 lần.

               - Phòng ngừa sởi hoặc bạch hầu: Dùng 15-30g cây khô, dạng thuốc sắc. Liên tục trong 3 ngày.

               - Chữa viêm chân răng: Sài đất 30g, huyền sâm 10g, bán liên biên 15g, sắc uống.

               - Chữa ho gà, ho ra máu, huyết áp cao: Dùng 15-30g cây khô, dạng thuốc sắc. Liên tục trong 3 ngày.

               - Bệnh ban độc, ban trái trẻ em: Bệnh thường biểu hiện sốt nhức đầu, sốt về chiều, về đêm, sốt xuất huyết. Sài đất 6g, Trùn hổ (chế) 3 con, Cỏ mực 4g, Nhãn lồng 4g, Bạc hà 4g, Thạch cao 2g. Đổ 600ml nước, sắc còn 200ml. Chia làm 3 lần uống trong ngày.

 

Quang Hiển (st)