CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Anh Châu Thanh Tùng vượt qua số phận

08:00 13/08/2019

Không thể nói được do bệnh tật gây ra, chỉ giao tiếp với mọi người bằng chữ viết trên giấy, nhưng người đàn ông 56 tuổi, Châu Thanh Tùng, ở ấp Thị 2, thị trấn Chợ Mới đã vượt qua số phận và bằng cả ý chí, nghị lực. Giờ đây anh đã có một nghề ổn định để nuôi sống gia đình. Đó là nghề làm giá đỡ điện thoại bằng gỗ với đôi bàn tay khéo léo của anh.

Được sự giới thiệu của người bạn, chúng tôi tìm đến nhà anh. Ngôi nhà nhỏ khung sắt, mái lợp tôn, chỉ với một vài vật dụng cần thiết cho gia đình. Nay chỉ có mình anh trong nhà, vợ anh là chị Phan Thị Trong đang đi buôn bán Đồng Tháp. Người con trai lớn thì làm công nhân trong một công ty ở Đồng Tháp, đứa con gái út bán thuốc tây cho quầy dược tư nhân. Bà con sống gần kể: “Anh sinh ra trong một cơ thể lành lặn nhưng khoảng 5 năm về trước, anh bị bệnh viêm phế quản sau đó không thể nói được thành tiếng, mặc dù anh nghe nhưng khi giao tiếp trò chuyện phải nhờ qua những dòng chữ trên giấy. Anh viết trên tờ giấy trắng đưa cho tôi xem với dòng chữ: “Không nói được khổ lắm. Khách quen thì dễ trao đổi vì họ cũng phần nào hiểu được ngôn ngữ đặc biệt của anh. Còn nếu là khách mới thì phải trao đổi qua viết giấy”.

Từ những dòng chữ, chúng tôi được biết thêm, anh chỉ hành nghề làm giá để điện thoại khoảng 2 tháng nay. Trước đó, do bị bệnh, không làm gì được, anh lên mạng tìm hiểu rồi ngồi tập tành viết chữ thư pháp cho đỡ buồn đến khi thành thạo, chữ viết đẹp anh đã bắt đầu hành nghề làm giá để điện thoại, một sản phẩm mà hiện nay nhiều người trong gia đình đều có thể mua để sử dụng. Ban đầu anh chỉ làm chơi vài cái bán cho mọi người xung quanh, được mọi người khen ngợi, nên động viên anh mua dụng cụ máy móc về làm gồm: 1 cái máy cắt gỗ, 1 cái súng bắn đinh, 1 cái bình hơi, 1 cái máy chà nhám... trị giá khoảng 7 triệu đồng, số tiền này do anh tích lũy được từ sự hỗ trợ của Bộ phận Thương binh và xã hội thị trấn Chợ Mới mỗi tháng 400 ngàn đồng.

Gỗ ép anh mua ở thị trấn Mỹ Luông, 1 tấm lớn với giá 500 ngàn đồng. Sau đó về anh cưa ra từng khúc nhỏ, vừa vặn đủ kích thước, rồi chà nhám, sơn PU cho bóng bề mặt gỗ, làm chân, cùng với đôi bàn tay khéo léo của mình anh viết lên bề mặt của giá đở chữ thư pháp như: Tình Cha, Tình Mẹ, chữ Nhẫn, Đức, Tâm,… kèm những câu đối rất ý nghĩa. Vào mỗi buổi sáng anh tranh thủ làm thành phẩm số lượng khiêm tốn là 20 cái, sau đó buổi chiều anh chở đi bán lẻ ở chợ Thanh Bình, Đồng Tháp và các khu vực lân cận khác, mỗi cái giá 20 ngàn đồng, trừ đi hết các khoản chi phí, anh lợi gần 10 ngàn đồng 1 cái.

Trăm nghe không bằng một thấy, khi trực tiếp đến đây sẽ thấy từng công đoạn làm ra các sản phẩm của anh rất tỉ mỉ, cẩn trọng và dĩ nhiên thành phẩm nào của anh cũng đều đẹp và tinh tế. Nhìn những chiếc giá đỡ điện thoại bằng gỗ, trông rất đỗi giản dị nhưng chứa đựng cả một ước mơ của anh.

Khi được hỏi, anh có mong muốn có thêm nhiều vốn để mở rộng cơ sở với qui mô lớn hơn nữa không? Anh cười và cầm cây viết trên tay viết vài dòng chữ: “Bản thân bị bệnh tật, không thể nói chuyện được, đâu có giao thiệp được với ai. Chỉ ước mong làm kiểm đủ tiền để sống hàng ngày thế là mãn nguyện rồi”.

 

 

 Hải Đăng- Hồ Toàn - Đài Truyền thanh huyện Chợ Mới