CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Trồng trọt - BVTV

An Giang sơ kết vụ Đông Xuân 2019 - 2020

09:00 05/05/2020

Ngành nông nghiệp đã tập trung xây dựng và triển khai các Kế hoạch chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái; Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo; Phát triển thủy sản bền vững; Đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, Đề án phát triển thương hiệu gạo… Để đánh giá lại kết quả đạt được trong năm 2019 và triển khai Kế hoạch thực hiện chương trình cho năm 2020, ngày 28/4/2020 UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố, để triển khai thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp năm 2020; Sơ kết vụ Đông Xuân 2019-2020 và công tác phòng, chống thiên tai năm 2020. Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu UBND tỉnh có ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang chủ trì hội nghị.   

Theo báo cáo kết quả thực hiện chương trình năm 2019 ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai các Kế hoạch, Đề án, các Dự án lớn của ngành nhằm vạch ra định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu lại các sản phẩm phù hợp với quy luật cung - cầu và lợi thế của tỉnh, làm cơ sở, tiền đề triển khai các năm tiếp theo, với sự quyết tâm của ngành Nông nghiệp nên giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp (trồng trọt và thủy sản) đạt 183 triệu đồng, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 223 triệu USD. Trong năm đã thông tin đến doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, nếp trên địa bàn 20 hội chợ và 23 chuyến khảo sát thị trường ngoài nước do Bộ Công Thương tổ chức để doanh nghiệp biết, tham gia. Tổ chức và giới thiệu tham gia các Hội nghị sơ kết bình ổn thị trường giữa các tỉnh Đồng bằng sông Cứu Long và thành phố Hồ Chí Minh chức tại tỉnh An Giang…

Ngoài ra, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Triển khai các chính sách thu hút 5 doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp và hỗ trợ 500 ha tạo quỹ đất cho doanh nghiệp. Hỗ trợ 03 tuyến đường giao thông nông thôn để kết nối đến chân hàng rào các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án, đưa dự án vào hoạt động với tổng vốn hỗ trợ đầu tư 16,4 tỷ đồng.

Riêng về khoa học công nghệ đã triển khai ứng dụng và chuyển giao các quy trình canh tác mới, hiệu quả và có triển vọng, hoàn thiện quy trình sản xuất trà và viên nang từ nguyên liệu chùm ngây và đinh lăng; sản xuất và đánh giá hiệu quả của dịch trích từ cây cóc rừng và cây trâm ổi lên khả năng phòng trị sâu khoang, sâu xanh da láng...

Bên cạnh đó, cũng tổ chức lại sản xuất theo ngành hàng, hiện toàn tỉnh có 172 tổ sản xuất lúa giống với khoảng 15 ngàn nông dân tham gia, sản lượng khoảng 190 ngàn tấn, đủ khả năng cung cấp 90% nhu cầu giống cho sản xuất lúa hàng hóa. Riêng diện tích xoài được cấp chứng nhận VietGAP là 503 ha. Tổng số vùng trồng xoài đã được cấp mã số code đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến nay là 34 mã số, với tổng diện tích 972,105 ha hiện ngành nông nghiệp đang tích cực phối hợp với các Doanh nghiệp, Công ty để xuất khẩu. Liên kết tiêu thụ cá tra với diện tích mặt nước nuôi cá tra khoảng 1.400 ha cho sản lượng cá tra khoảng 370 ngàn tấn và có nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư và liên kết với hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Đáng chú ý là đa phần các hộ nuôi cá tra có liên kết đều canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. Đề án giống cá tra 3 cấp đã triển khai đến nay được 2 chi hội, từ đầu năm 2019 đã cung cấp được hơn 500 triệu con giống cho các Doanh nghiệp và các cơ sở nuôi lớn tại An Giang và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.

Song song đó, đã hỗ trợ 37 doanh nghiệp triển khai liên kết sản xuất thông qua 20 hợp tác xã và 10 tổ hợp tác; đồng thời làm việc với các doanh nghiệp về phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản để hỗ trợ công ty gắn kết với các Hợp tác xã hiện có và thành lập mới Hợp tác xã theo nhu cầu của doanh nghiệp nhằm gắn với vùng nguyên liệu của công ty. Phối hợp cùng Sở Công Thương xây dựng và triển khai Đề án thương hiệu gạo và xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân. Đã thực hiện chuyển đổi sang cây rau, màu và cây ăn trái trên trên nền đất lúa kém hiệu quả tính đến nay là khoảng 25 ngàn ha.

Tại hội nghị, điểm cầu huyện Chợ Mới đã thông tin về tình hình liên kết thị trường tiêu thụ nông sản. Chợ Mới hiện có 438 ha xoài đã chứng nhận VietGAP và được 2 công ty thu mua. Trong tình hình dịch Covid giá xoài và cơ sở dựa xoài cũng giảm đáng kể do nhu cầu xuất khẩu giảm, sản lượng xoài ngoài bán cho Công ty số còn lại chủ yếu bán qua các điểm vựa để tiêu thụ chủ yếu trong nước. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 4 một số dựa xoài hoạt động trở lại 40/71 dựa. Theo lãnh đạo UBND huyện Chợ Mới, tuy giá giảm nhưng sản lượng không tồn động, nhờ sự xúc tiến kịp thời của các Sở, ngành liên quan mời gọi các doanh nghiệp đến địa bàn huyện tiêu thụ nông sản, đặc biệt là xoài. Hiện nay giá xoài đã tăng trở lại như xoài 3 màu (loại 1) có giá 11.500 đồng/kg, tăng hơn 6.000 đồng, xoài cát Hòa Lộc cũng tăng trên 10.000 đồng so với trước. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa có nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ cụ thể, hình thức thu mua thông qua điện thoại và chủ yếu bán trực tiếp cho thương lái. Nguồn vốn, trình độ năng lực Hợp tác xã chưa thực sự là đầu mối để đại diện cho xã viên thương thảo ký kết hợp đồng.

Huyện Châu Thành đã thông tin về kinh nghiệm trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và các mô hình sản xuất cây ăn trái đã mang lại hiệu quả cao, cải thiện thu nhập cho người dân điển hình như mô hình trồng đậu nành rau năng suất 10-13 tấn/ha, lợi nhuận cao gấp 2,5-4 lần so với trồng lúa. Điểm cầu huyện Phú Tân tập trung đưa ra kế hoạch xả lũ và định hướng tập trung xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân. An Phú là huyện đầu nguồn của tỉnh An Giang đã báo cáo về công tác ứng phó dông lốc, thiên tai trên địa bàn huyện.

Do tác động của dịch Covid-19 ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang triển khai hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất. Từ đầu năm ngân hàng đã xác định mục tiêu tăng trưởng từ 10-14% để tập trung phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động rất lớn ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh nên chỉ tiêu sụt giảm so với kế hoạch. Hiện ngân hàng tập trung cho vay các doanh nghiệp và hộ dân, đưa ra nhiều cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ khắc phục khó khăn trong tình hình dịch Covid-19 như giảm các loại phí cho vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Cụ thể đã hỗ trợ 16.300 khách hàng, nâng tổng số dư nợ được hỗ trợ là 10.094 tỷ đồng, dư nợ miễn giảm lãi suất cho vay là 2.288 tỷ đồng, số tiền miễn giảm lãi suất là 3,4 tỷ đồng. Hiện ngân hàng tiếp tục rà soát, tiếp nhận các thông tin từ các Sở, Ban, Ngành liên quan và kết nối các Doanh nghiệp tiếp tục quan tâm hỗ trợ giảm lãi suất. Ưu tiên đối với hộ dân không có chứng từ cụ thể. Tại Hội nghị, ngân hàng mong muốn chính quyền địa phương xác nhận mức độ thiệt hại của hộ dân, ưu tiên để làm cơ sở chứng từ để ngân hàng xem xét, đánh giá hỗ trợ mức cho vay.    

Để triển khai tốt các Kế hoạch trong thời gian tới, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT An Giang lưu ý tình hình tiêu thụ nông sản thời gian qua do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, mặc dù lúa nếp tiêu thụ thuận lợi, nhưng thủy sản và trái cây gặp khó, giá bán thấp. Trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương và địa phương bám sát tình hình sản xuất, tiêu thụ xuất khẩu các loại nông, thủy sản trên địa bàn để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh để điều chỉnh sản xuất theo nhu cầu thị trường. Tại địa phương, khuyến cáo người dân đặc biệt là các hộ nuôi cá tra không có liên kết chuyển sang nuôi một số đối tượng nuôi có tiềm năng lớn trong tiêu thụ nội địa, để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất. Triển khai hiệu quả Kế hoạch Phát triển hợp tác xã và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp năm 2020. Tiếp tục theo dõi hỗ trợ tháo gỡ các khóa khăn vướng mắc của các doanh nghiệp và tăng cường công tác mời gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh

Ngoài ra, Ông cũng yêu cầu địa phương và đơn vị liên quan bám sát địa bàn và vận động nông dân xuống giống lúa vụ Hè Thu đúng lịch thời vụ, theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh dự báo giúp nông dân quản lý dịch hại đạt hiệu quả. Phải cẩn trọng trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm do hiện nay tại địa phương đã xuất hiện một số xe máy chở gà từ nơi khác đến với giá bán thấp, không rỏ nguồn gốc. Đồng thời tăng cường triển khai Kế hoạch tái đàn heo nhanh và hiệu quả, đặc biệt chú trọng công tác tái đàn gắn với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại.

Phối hợp tốt các phương án bảo vệ phòng cháy chữa cháy rừng. Tiến hành nhanh việc bổ sung trang bị công cụ, phương tiện phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, kiểm tra vận hành hệ thống trạm bơm nhằm bảo vệ sản xuất, bơm tiêu chống úng kịp thời ứng phó với các tình huống mưa với lượng lớn như vừa qua bảo vệ sản xuất cho vụ Hè Thu và Thu đông. Tiếp tục theo dõi việc duy trì, nâng chất các xã nông thôn mới,  phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu năm 2020 về xã nông thôn mới. 

Trang Nghiêm