CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Phát triển làng nghề gắn với du lịch ở An Giang

09:00 26/12/2020

Ở An Giang từ lâu đã xuất hiện và tồn tại những làng nghề thủ công truyền thống như: Nghề mộc, nghề mây tre đan, nghề dệt, nghề rèn… mỗi nghề đều có lịch sử phát triển lâu dài và khá độc đáo. Trong quá trình tồn tại và phát triển, làng nghề và làng nghề truyền thống đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, sản xuất ra nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, tính đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang có 29 làng nghề đã được công nhận, trong đó, có 14 làng nghề và 15 làng nghề truyền thống thuộc 4 nhóm ngành nghề: (1) chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; (2) xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; (3) sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan đát, cơ khí nhỏ; (4) dịch vụ phục vụ sản xuất đời sống dân cư nông thôn.

Theo kết quả điều tra thực tế, hiện nay hoạt động của làng nghề thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia với 2.110 hộ và tạo một phần không nhỏ công ăn việc làm cho hơn 8.204 lực lượng lao động địa phương. Các làng nghề đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân địa phương.

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các thành phần kinh tế đã rất quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của du khách trong và ngoài nước. Nhiều công trình du lịch, thiết chế văn hóa có ý nghĩa lịch sử, văn hóa được đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh.

Hầu hết di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo; một số làng nghề, làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển; các khu du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được đầu tư xây dựng. Các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang khai thác các tour, tuyến du lịch đến An Giang thông qua các loại hình chủ yếu, như du lịch tâm linh, sinh thái, vùng sông nước, kết hợp du lịch về nguồn và tham quan thắng cảnh, các khu di tích lịch sử, văn hóa... Các hoạt động xúc tiến đầu tư đã thu hút được nhiều nguồn lực từ các thành phần kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động.

Có 12/29 làng nghề đã và đang được đầu tư, khai thác gắn với phát triển du lịch của tỉnh gồm: (1) làng nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN) truyền thống bánh phồng Phú Mỹ; (2) làng nghề sản xuất đường thốt nốt An Phú; (3) làng nghề TTCN sản xuất và chế biến đường thốt nốt Châu Lăng; (4) làng nghề TTCN truyền thống rèn Phú Mỹ; (5) làng nghề TTCN truyền thống đóng xuồng ghe Mỹ Hiệp; (6) làng nghề TTCN truyền thống mộc gia dụng Tấn Mỹ; (7) làng nghề TTCN truyền thống mộc Chợ Thủ; (8) làng nghề TTCN truyền thống mộc Mỹ Luông; (9) làng nghề TTCN truyền thống dệt thổ cẩm Chăm Châu Phong; (10) làng nghề TTCN truyền thống tơ lụa Tân Châu; (11) làng nghề TTCN truyền thống dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo; (12) làng nghề TTCN se nhang Bình Đức.

Nhìn chung, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc; nhận thức của cộng đồng đã được nâng lên trong việc thu hút, khai thác du lịch gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương.

Các loại hình du lịch trang trại đồng quê, miệt vườn, du lịch sinh thái đã và đang phát triển bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và các đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp ngày càng phát triển, đã mang lại thu nhập, tạo việc làm, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường, từng bước khẳng định và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trên cơ sở những chính sách của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ đào tạo, tập huấn; hỗ trợ vốn tín dụng hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư công nghệ mới; hỗ trợ đầu tư mới máy móc thiết bị, xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất hiệu quả; hỗ trợ đăng ký thương hiệu; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề... Nhờ đó các làng nghề được khôi phục và phát triển ổn định; hiện nay các cơ sở tiểu thủ công nghiệp đã chú trọng đăng ký thương hiệu, chất lượng sản phẩm.

Hằng năm UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề tham gia nhằm tạo cơ hội cho các cơ sở quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm, giao lưu tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng.

 

Xuân Hiếu