CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Thủy sản

Mô hình ứng dụng công nghệ vi sinh trong ấp trứng cá chạch lấu và gắn kết bảo vệ môi trường

09:15 15/11/2020

Bài tham luận tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường” của tỉnh An Giang năm 2020.

 

Tôi tên: Nguyễn Bá Sang, là hộ sản xuất về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản tại địa bàn xã Phú Thuận, một vùng trọng điểm của huyện Thoại Sơn về nuôi thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm càng xanh, nuôi lươn không bùn công nghệ cao, nuôi cá chạch lấu trong ao.

Bản thân luôn tìm hiểu và tiên phong ứng dụng các mô hình mới để nâng cao giá trị kinh tế, trong đó cá chạch lấu, một đối tượng nuôi mới và có nhiều tiềm năng. Hiện tại trại giống của tôi đang thực hiện mô hình chuỗi sản xuất từ bột đến cá giống, trong đó khâu nuôi vỗ cá bố mẹ và cho sinh sản là yếu tố then chốt quyết định đến chất lượng và tỷ lệ sống của cá giống.

Cá bố mẹ được lấy từ 2 nguồn: Cá sông và cá thịt trong ao ,theo tỷ lệ nhất định nhằm tránh gây ra hiện tượng phối giống cận huyết làm giảm tốc độ tăng trưởng của cá, làm cá dễ bị dị hình, dị tật. Cá mẹ phải nuôi vỗ bằng thức ăn công nghiệp chất lượng cao, độ đạm dao động từ 40 – 42%. Cá nuôi vỗ từ 3 – 4 tháng thì bắt đầu cho sinh sản. Trong khâu sinh sản thì kỹ thuật ấp trứng cá chạch lấu là quan trọng, việc loại nấm thủy mi ăn trứng cá là khâu khó khăn và đòi hỏi nhiều yếu tố mới mang lại tỷ lệ nở cao. Về phía trại, tôi hiện đang áp dụng theo quy trình sử dụng vi sinh để ức chế nấm thủy mi ở giai đoạn ấp trứng.

Nguồn nước ấp sau khi được lắng lọc sạch thì tiến hành sát khuẩn nước bằng TCCA nồng độ 90%  sục khí nước trong 12 giờ để loại bỏ các vi sinh vật trong nước và phân hủy lượng chất sát khuẩn còn lưu tồn. Sau đó thì tiến hành ấp chủng vi sinh Bacillus subtilis trong 3 giờ ở môi trường có  nhiệt độ 290c, độ mặn 50/00, mật độ ấp 10gr/ 20 lít nước. Sau đó vi sinh nhân bản phát triển lên thì thả hết vào bể nước ấp trứng. Trứng cá sau khi thụ tinh thì đưa vào bể ấp với điều kiện trên thì tỷ lệ nở cao hơn từ 10 – 20% so với cách làm trước đây. Trung bình tỷ lệ thụ tinh là 85%, tỷ lệ cá nở từ 70 – 75%,. Áp dụng phương pháp này thì thời gian nấm thủy mi tấn công trứng cá bị hạn chế lại, mức độ bùng phát nấm không cao trong quá trình ấp trứng, nguồn nước ấp trứng trong và sạch hơn hạn chế thay nước và ít sử dụng nước trong quá trình ấp giảm sử dụng nước xuống 20%. Từ đó làm giảm chi phí đầu tư, giảm thải nguồn nước ra môi trường, ít tác động ô nhiễm môi trường xung quanh.

Nếu áp dụng đúng quy trình kỹ thuật thì chất lượng cá bột khỏe mạnh, ít dị hình dị tật, cá hương cá giống có tỷ lệ sống cao, cá ít bị nhiễm bệnh và tốc độ phát triển nhanh từ đó làm tăng thêm năng suất và giá trị sản phẩm của cá chạch lấu.

Nguyễn Bá Sang