CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

An Giang: Tổng kết mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác

09:50 28/12/2020

Trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, hoạt động sản xuất, kinh doanh cá thể, đơn lẻ ngày càng bộc lộ nhiều điểm yếu và từ đó mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã đã ra đời. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã, Tổ Hợp tác theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với năng lực địa phương và thị trường tiêu thụ, ngày 25/12/2020, An Giang đã tổ chức hội nghị “Tổng kết các đề án, kế hoạch phát triển Hợp tác xã, Tổ hợp tác”

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Trần Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang “Hoan nghênh tinh thần liên kết hợp tác tương trợ lẫn nhau, và sự năng động sáng tạo trong sản xuất kinh doanh của nông dân, đoàn thể và cán bộ ngành nông nghiệp. Nhưng để mối liên kết sản xuất, tiêu thụ bền chặt hơn nữa, chúng ta cần lưu ý những điểm sau: Một là, cần nâng chất tinh thần hợp tác theo tiêu chí lấy chữ “tín” làm đầu; Hai là, bên cạnh chú trọng chất lượng sản phẩm thì cũng cần đảm bảo số lượng để giữ vững thị trường tiêu thụ; Ba là, từng bước liên kết các HTX, Tổ hợp tác với nhau, tiến tới tập trung tích tụ ruộng đất để ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, thành công các khâu nầy sẽ giúp tiết giảm tối đa giá thành sản xuất; Bốn là, sản phẩm làm ra phải an toàn, đây không chỉ mang tính nhân văn mà còn là cách thể hiện sự quan tâm tới khách hàng; Năm là, gia tăng giá trị sản phẩm bằng cách tăng cường áp dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tiến tới chế biến sâu; Sáu là, đầu tư thêm nguồn nhân lực và thiết bị cho công tác thông tin dự báo thị trường, bởi đây là tiền đề giúp nông dân tránh cảnh được mùa, mất giá…”

An Giang hiện có 174 Hợp tác xã nông nghiệp với 12.232 thành viên; và 789 Tổ hợp tác với 14.552 thành viên. Do đa phần xã viên là làm nghề nông, nên trong thời gian đầu thành lập, hoạt động đặc thù của liên kết chủ yếu là bơm tưới và bơm tiêu. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, các HTX đã tích lũy dần vốn liếng, kinh nghiệm và tinh thần liên kết, hỗ trợ lẫn nhau… nên các dịch vụ khác như: Làm đất, phun xịt thuốc BVTV, thu hoạch và sau thu hoạch, tín dụng nội bộ… đã ra đời, và từ đó thu nhập của xã viên cũng cải thiện hơn. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan, như thị trường không ổn định, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, một phần do chưa có bề dày kinh nghiệm quản lý… nên trong 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của mỗi HTX chỉ đạt khoảng 270 triệu đồng/năm và của Tổ hợp tác là 47,2 triệu đồng/năm.

Mục tiêu giai đoạn từ năm 2021 đến 2025, bên cạnh việc nâng chất HTX hiện có, sẽ phát triển thêm 200 HTX nông nghiệp mới để gắn kết với các tập đoàn, doanh nghiệp đã, đang và sẽ đầu từ vào An Giang. Riêng Tổ hợp tác, sẽ phát triển mới từ 80 - 100 tổ/năm, và chọn 20 Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả nâng chất lên HTX. Để đạt được mục tiêu đề ra, cần thực hiện một số giải pháp như sau: (1) Trước mỗi vụ mùa cần thống nhất phương án sản xuất, kinh doanh. Trong đó, cụ thể giá thành sản xuất, giá bán và nơi bán; (2) Phối hợp với ngành chuyên môn tập huấn chuyển giao kỹ thuật đối với từng ngành hàng cụ thể; (3) Thực hiện thường xuyên công tác quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường; (4) Phối hợp với doanh nghiệp tiêu thụ, xây dựng chính sách ưu đãi đôi bên cùng có lợi để kêu gọi, thu hút đầu tư; (5) Tăng cường mối liên kết giữa các HTX với nhau, trong đó cụ thể về nhu cầu lao động, nhu cầu thiết bị máy móc, nhu cầu vật tư,… nhằm tăng tính chủ động trong việc trao đổi, giao thương phương tiện sản xuất, kinh doanh để tiết giảm chi phí.

Quản lý sản xuất và kinh doanh thành công, các thành viên trong Tổ Hợp tác, Hợp tác xã nông nghiệp thu được lợi nhuận ngày một khá lên thì sẽ tin tưởng và tuân thủ hơn quy trình sản xuất, để cung cấp cho thị trường sản phẩm nông nghiệp vừa ngon vừa lành với giá cả phải chăng.

 

Kim Kiều