CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Rau đắng - Vị thuốc phòng và trị nhiều bệnh

09:02 16/10/2018

Ở nước ta, rau đắng có 2 loại là rau đắng đất và rau đắng biển. Hai loài rau này tuy có tính vị giống nhau nhưng về mặt công dụng cho sức khỏe thì lại có những ưu điểm riêng. Rau đắng đất: Hay còn gọi là biển súc, cây càng tôm, cây xương cá. Tên khoa học là Polygonum aviculare L. Là loài cây thân thảo mộc bò trên mặt đất, thân và cành mọc tỏa tròn gần như sát mặt đất, màu đỏ tím. Chúng sống quanh năm, có thân nhỏ nhiều đốt, lá nhỏ mọc so le, có bẹ chìa, phiến lá dài 1,5 - 2cm, rộng 0,4cm. Người ta thường thu hái toàn cây, sử dụng thân và lá còn tươi hoặc đem phơi khô sử dụng dần.

Theo Đông y, rau đắng đất  có vị đắng, tính bình, không độc, có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu, trừ thấp nhiệt, sơ can. Những trường hợp có thể sử dụng để trị bệnh như: Tiểu gắt buốt, sỏi thận, ăn uống kém tiêu, nóng trong người, hạ sốt, mát gan.

Rau đắng đất có chứa hàm lượng vitamin C khá cao, khi sử dụng giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, làm bền vững thành mạch. Ngoài ra còn có một số chất có lợi cho sức khỏe như: tanin, saponin, flavonoid, alkaloid và sesquiterpene. Các thành phần này kháng khuẩn rất tốt, có thể chống lại một số vi khuẩn gram âm và gram dương. Những người đang bị ho, sốt, cảm lạnh, mụn nhọt, nhiễm trùng đường tiết niệu hay tiêu hóa dùng rau đắng đất cũng giúp tăng cường khả năng chống lại bệnh tật.

Đồng thời, chúng có tác dụng chống lại quá trình oxy hóa, khử các gốc tự do trong cơ thể, ngăn chặn sự hình thành tế bào ung thư, được sử dụng có lợi cho các đối tượng mắc bệnh Parkinson, Alzheimer, ung thư và các vấn đề về tim mạch.

Rau đắng biển: Hay còn gọi là cây ruột gà, cây ba kích, rau sam trắng hay rau sam đắng. Tên khoa học là Bacopa monnieri L. Thường phát triển ở những khu vực đầm lầy, bãi cỏ hoang có hơi ẩm hay nằm pha lẫn với các loại cỏ thấp ở ngoài bờ ruộng nên người ta còn gọi là rau đắng đồng. Đây là loài cây thân thảo sống dai, mọc bò, thân nhẵn mang rễ, lá mọc đối không cuống, hình thuôn.

Theo y học cổ truyền Việt Nam, rau đắng biển có tính mát, vị đắng, có khả năng thanh nhiệt tiêu độc, lợi tiểu, tiêu thũng. Người dân thường dùng để sắc uống chữa ho, làm thuốc trị các chứng tiểu gắt buốt, đi cầu khó. Dùng dưới dạng thuốc phơi khô 6 - 12g sắc uống mỗi lần.

Không thua kém gì so với rau đắng đất, thành phần có trong rau đắng biển cũng sở hữu khá nhiều các chất có lợi cho sức khỏe như: các loại alkaloid và saponin. Các yếu tố này tác động rất tốt trên hệ thống tuần hoàn não, tăng cường dẫn truyền xung động thần kinh, chống lại hiện tượng oxy hóa của tế bào não.

Nhìn chung cả 2 loài rau trên đều có những tác dụng có lợi cho sức khỏe, mỗi loại đều có những ưu điểm khác nhau nhưng cả 2 đều có chung một đặc điểm là có vị đắng. Rrau đắng chứa nhiều chất xơ và các loại dinh dưỡng khác nên rất tốt cho chế độ ăn giảm béo, ngăn ngừa rối loạn mỡ máu, phù hợp với các đối tượng đang mắc bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường.

               Một số lưu ý:

               - Phụ nữ đang mang thai nên cẩn trọng khi sử dụng vì các chất có trong rau đắng có tác dụng gây co bóp tử cung, tăng thời gian đông máu, làm tăng nguy cơ sảy thai, xuất huyết.

               - Ăn nhiều rau đắng trong một bữa ăn có thể tốt cho người bị táo bón nhưng đối với người bình thường hoặc người đang có hệ tiêu hóa không được khỏe sẽ gây ra tình trạng tiêu lỏng.

 

Quang Hiển (st)