CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Mô hình sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP

09:15 15/11/2020

Bài tham luận tại Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường” của tỉnh An Giang năm 2020.

 

Kính thưa: Quí đại biểu và bà con nông dân tham dự hội nghị

Tôi tên: Nguyễn Trung An, thay mặt Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý, xã Mỹ Phú, Châu Phú, An Giang. Xin được bao cáo tóm tắt tình hình hoạt động của Tổ như sau:

Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quí được thành lập vào ngày 12/12/2018 gồm 19 thành viên với tổng diện tích mặt nước đang canh tác hiện nay khoảng 7 ha, diện tích nuôi của các tổ viên giáp ranh liền kề nhau. Ước sản lượng đạt khoảng 99,6 tấn cá lóc giống/năm.

Châu phú là một trong những huyện của tỉnh An Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho nghề nuôi trồng thuỷ sản phát triển, trong đó có nghề sản xuất cá lóc giống. Những năm gần đây do nhu cầu cung ứng về con cá lóc giống cho người nuôi tăng cao, nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi một phần đất trồng lúa, sang đào hộc nuôi cá lóc giống.

Chi phí đầu tư: Thuê máy múc 1.000m2 đất thành khoảng 35 cái hộc, với diện tích từ 3m x 3m x 1m tốn khoảng 20 triệu đồng. Khi hoàn tất công đoạn đào hộc, thì bắt đầu qui trình thả cá lóc bố mẹ vào hộc cho sinh sản ngay, với mật độ chỉ 1 cặp cá bố mẹ/1 hộc, sau hơn một tháng nuôi từ 1 cặp cá bố mẹ có thể thu hoạch từ 3 – 5kg cá lóc giống. Hiện nay giá cá lóc giống thương lái mua tại chỗ khoảng từ 100.000 đồng/kg – 120.000 đồng/kg (thời điểm khan hiếm giá bán ra tới 400.000đồng/kg). Hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá lóc giống năm 2019, giá thành: 105.000 đồng/kg, giá bán bình quân: 175.000đồng/kg, năng suất bình quân: 3kg/m2/năm, lợi nhuận 70.000 đồng/kg/năm.

Đến nay, các thành viên trong Tổ rất phấn khởi vì có thể chủ động sản xuất ra loại cá giống thích hợp, đảm bảo tiêu chuẩn về con giống để cung cấp cho những hộ nuôi cá thương phẩm đạt tiêu chuẩn và chất lượng. Riêng bản thân tôi có diện tích mặt nước ao nuôi là 4.000 m2, tôi đào được 100 hộc, mỗi hộc có diện tích ngang 03 mét, dài 04 mét, sâu 1,2m. Mỗi hộc, tôi thả nuôi 1 cặp cá lóc bố mẹ, loại cá lóc đầu nhím để ương ra cá bột (cá lòng ròng) đang được thị trường rất ưa chuộng. Trước đó khoảng 4 năm, tôi đã từng ương nuôi cá lóc giống, nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhưng, kể từ khi vào Tổ hội, được tham gia học tập kinh nghiệm và tuân thủ đúng quy trình sản xuất cá lóc giống theo tiêu chuẩn GlobalGAP, không chỉ tôi mà các tổ viên trong Tổ, dần dần học tập kỹ thuật mới và thay đổi cách thức sản xuất theo phương pháp truyền thống, hướng đến cách thức sản xuất sản phẩm sạch, quy trình xử lý trong nuôi thuỷ sản thân thiện với môi trường.

Khi thành lập đã có nhiều tổ chức liên hệ để gắn kết tiêu thụ, 01 tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm ở Vĩnh Long đã ký kết hợp đồng tiêu thụ về đầu ra của sản phẩm, tổ hợp tác này chuyên cung cấp cá lóc thương phẩm sạch cho các siêu thị và một số cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn. Bên cạnh đó, Tổ hội còn cung cấp giống cho tổ nuôi cá lóc thương phẩm ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), vùng nuôi cá lóc ở một số tỉnh như: Trà Vinh, Bạc Liêu v.v… cho các hộ nuôi thương phẩm. Hiện Tổ hội đang tiếp tục mở rộng liên kết thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm và đã tạo được lòng tin của hộ nuôi cá lóc thương phẩm gần, xa.

Tổ hội được địa phương và các ban ngành quan tâm như Tiến Sĩ Lý Thị Thanh Loan – Trường Đại học Nông Lâm, sở Khoa học và công nghệ tỉnh An Giang, phòng Nông nghiệp huyện Châu Phú, tổ Thuỷ sản Châu Phú, Hội nông dân, trạm Khuyến nông….tập huấn kỹ thuật mới vận động thành Tổ hội giúp đỡ các hội viên sản xuất cá lóc giống nhỏ lẻ đoàn kết thành tổ chức có tiếng nói chung phát triển ngành nghề thuỷ sản ổn định, tạo chuỗi liên kết nuôi cá lóc, đầu vào được kiểm soát, đầu ra được bao tiêu với giá cả hợp lý, ổn định gắn với quy trình kỹ thuật tiên tiến, từng bước xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm thủy sản cá lóc giống sạch theo tieu chuẩn Global GAP của ấp Mỹ Quý.

Đặc biệt, Tiến Sĩ Lý Thị Thanh Loan - Cố vấn kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật tận tình, từng giai đoạn, thời kỳ phát triển và sinh sản của cá: từ kỹ thuật nuôi vỗ cá bố mẹ, kỹ thuật làm tổ, chuẩn bị vèo cho cá đẻ v.v… Theo đó, nguồn cá bố mẹ nuôi, phục vụ cho các tổ viên trong Tổ hội thu mua, chọn lọc rất kỹ lưỡng từ các ao, bè nuôi cá từ nhiều nguồn khác nhau, các huyện thị khác nhau trên địa bàn tỉnh, để tránh hiện tượng đồng huyết, cận huyết. Nhất là cá bố mẹ được chọn phối giống, cơ bản phải đảm bảo các yêu cầu về ngoại hình cá tốt, không dị tật, trọng lượng phải đạt từ 0,7 – 1 kg/con, tương ứng với thời gian sinh trưởng từ 8 – 10 tháng. Sau khi cá bố mẹ đem về, được bà con nông dân khéo léo làm vèo trong khung lưới đặt dưới ao nuôi, thuần dưỡng từ 5 - 7 ngày mới thả vào hộc nuôi. Và từ giai đoạn ương giống đến khi xuất bán, mất khoảng 45 ngày, trung bình mỗi năm, bà con thu hoạch từ 5 - 6 đợt cá bột. Theo cách thức nuôi truyền thống của bà con, trước đây thì sản lượng cá bột mỗi cặp cá bố mẹ sinh sản chỉ đạt từ 3kg - 5kg/cặp cá bố mẹ, nay áp dụng quy trình sản xuất mới nên sản lượng thu hoạch cá bột đã nâng lên đáng kể từ 5kg - 10kg/cặp cá bố mẹ, tỷ lệ thành công đạt 80% - 90%. Trung bình cá lóc giống có giá dao động từ 100.000 đồng/kg – 180.000 đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư ban đầu, nông dân thu về lợi nhuận khá ổn định.

Thông qua việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tuân thủ đúng quy trình vào hoạt động sản xuất giống cá lóc theo chuẩn GlobalGAP, đã tạo điều kiện cho các hộ nuôi từng bước nắm vững quy trình, công nghệ sản xuất giống cá lóc, tạo ra con giống có chất lượng tốt, cung cấp cho các mô hình nuôi cá thương phẩm, để góp phần nâng cao tỉ lệ sống, tăng năng suất, giúp hạ được giá thành sản phẩm, bảo vệ môi trường, nâng cao lợi nhuận cho người nuôi. Đồng thời, mô hình là thay đổi được nhận thức bà con không dùng những thuốc, hoá chất cấm để sử lý học ươn cá mà sử dựng dây thuốc cá. Duy trì được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP để đầu ra được ổn định, có thể nuôi thương phẩm và ra sản phẩm sạch sẽ cung cấp cho các nhà chế biến như khô, mắm,… đủ điều kiện để xuất khẩu góp phần sẽ tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Đây là một trong những hoạt động nghiên cứu ứng dụng rất cần thiết và có ý nghĩa rất lớn, đang được người dân rất đồng tình ủng hộ. Qua đây góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới về chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Châu Phú.

Kiến nghị:

Các nhà khoa học cần nghiên cứu ra được đàn giống cá lóc bố mẹ để duy trì việc sản xuất của bà con tránh tình trạng cá bố mẹ cận huyết không đạt chuẩn.”

Nhà nước cần có chính sách đầu tư nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá lóc giống tập trung của huyện. Có chủ trương hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các hộ nuôi cá lóc theo tiêu chuẩn an toàn, chất lượng đáp ứng thị trường tiêu thụ nông sản sạch không kháng sinh.

Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý gắn kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã nuôi cá lóc thương phẩm trong và ngoài tỉnh để tiểu thụ sản phẩm. Đây là nền tảng đảm bảo cho nghề nuôi cá lóc phát triển ổn định theo quy hoạch tránh phát triển tự phát, thiếu định hướng thị trường trong thời tới.

Hiện nay do ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid 19 nên đầu ra chưa được ổn định cho lắm. Tôi mong muốn được sự giúp đỡ ở các ngành cấp trên hỗ trợ về vấn đề cá giống sạch và tìm đầu ra cho bà con nông dân.

Trên đây là báo cáo tình hình hoạt động của Tổ hội nghề nghiệp sản xuất cá lóc giống Mỹ Quý. Rất mong địa phương và các ngành Nông nghiệp quan tâm trong thời gian tới.

P.TRƯỞNG TỔ HỘI

Nguyễn Trung An