CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Chợ Mới tăng thu nhập nhờ nuôi dê BOER

09:30 03/07/2020

Thời gian qua, nhiều bà con nông dân trên địa bàn xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới) khá lên nhờ canh tác xoài. Nhưng để tận dụng mặt liếp trống ngoài trồng xoài thì người dân còn tiến hành trồng cỏ nuôi dê tăng thêm nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Anh Lý Văn Thêm, năm nay 46 tuổi, tại ấp Đông Châu, là một trong những hộ đi đầu trong việc thực hiện mô hình này. Được biết anh người con út trong gia đình 9 anh chị em và được gia đình cho thụ hưởng 10 công đất. Lúc đầu, anh trồng lúa thấy không hiệu quả chuyển sang lập vườn trồng xoài, tuy nhiên vài năm gần đây do giá xoài bấp bênh, do vậy anh quyết định chăn nuôi thêm dê giống kết hợp với trồng xoài, vừa tận dụng hết diện tích đất cỏ mọc tự nhiên làm thức ăn cho Dê, không phải tốn công, phun xịt thuốc hay làm cỏ tốn hao chi phí và hơn nữa lại bảo vệ môi trường.

Anh Lý Văn Thêm cho biết: Con dê này nguồn lợi cao, con dê trước kia trọng lượng thấp nó ăn nhiều, con dê này không kêu la dòng dê này của Úc, giá rất cao gấp 4 đến 5 lần con dê thông thường, nuôi chừng 4 năm nay nuôi khoảng 1năm rưỡi lấy đủ tiền vốn, bây giờ nó đẻ ra bán lấy tiền xài.

Nhân duyên mà anh Thêm quyết định nuôi dê, đó là cách đây vài năm được tham dự hội thảo tại tỉnh Tiền Giang về mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) nuôi dê  giống và dê lấy thịt kết hợp với vườn và nuôi cá. Buổi đầu, “chân ướt chân ráo” chỉ thử nghiệm nuôi 3 con dê cái và 1 con đực giống. Do tập quán, loại giống này chăm sóc lâu gần hai năm mới xuất bán, ăn nhiều, mà ký không tăng, giá không được cao lợi nhuận không nhiều.Thấy không ổn anh đi tìm tòi, học hỏi những trang trại lớn như Long An, Tiền Giang, có khi lên tận Biên giới Campuchia, thế là anh chọn giống Dê Boer của Úc lai tạo, có ưu điểm dễ nuôi lại mau lớn, giống tốt, đặc biệt ít mẫn cảm khi trái gió trở trời, trọng lượng tăng gấp đôi và tách bầy sớm hơn so với dê truyền thống. Sau khi đẻ, nuôi khoảng 11 – 12 tháng là dê con có thể xuất bán. Hiện tại chuồng dê của anh có 23 con lớn nhỏ, diện tích chuồng đã nhân rộng lên 40 mét vuông, trong đó có 2 con  giống đực, 6 con cái, còn lại là các con nhỏ.  Qua được 4 năm nuôi, lợi nhuận khá hơn nhiều trung bình một năm trừ chi phí lợi nhuận trên 100 triệu đồng, tùy theo thời điểm giá thành và dê đẹp hay xấu. Trung bình dê giống nuôi  75 ngày tuổi năng từ 15 -16 kg, giá bán từ 150 - 300 ngàn đồng/kg. Dê trưởng thành con giống đực khoảng 100kg, đối với dê cái mỗi lứa sinh sản từ 2 đến 3 con, hằng năm dê sinh sản từ 1 đến hai lần tùy vào điều kiện  chăm sóc. Khâu chăm sóc loại này rất dễ, hằng ngày chỉ cắt hai lần cỏ (sáng – chiều), với các loại cây cỏ lá xanh, món khoái khẩu nhất là rau muống. Khâu quan trọng khi nuôi dê là làm chuồng và chọn con giống, chuồng Dê phải làm có sàn cao từ 50 cm trở lên, trên sàn đóng vạt thẻ có độ thưa để phân Dê thải xuống, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Ngoài việc bán giống dê anh còn bán thêm thịt cho các quán ăn, nhà hàng, nhiều nhất Châu Phú (An Giang), Mộc Hóa, Kiến Tường - Long An, Thanh Bình – Đồng Tháp. Bên cạnh còn tận dụng phân của Dê bón cây hay bán cho các bà con làm nương rẫy, mỗi ký phân từ 1.500 – 2.000 đồng cũng kiếm thêm thu nhập. Anh phấn khởi nói:  Nguồn kinh tế gia đình thoải mái, con dê boer này mình nuôi đẻ ra trễ lắm khoảng 7 tháng lên 35 đến 40 chục kg, nếu không bán giống thì mình bán dê thịt vào loại 1, lợi dụng làm vườn đỡ tốn tiền thuốc cỏ, lấy máy cắt cỏ đem vô cho nó ăn, khỏi bị ô nhiễm môi trường và chất độc hóa học do đó không tốn chi phí, lấy phân dê bón cho xoài và bán cho anh em làm vườn đủ thức lợi nhuận cao.

Vừa làm vườn, vừa nuôi Dê hằng năm trừ chi phí gia đình anh thu nhập từ 300 – 400 triệu đồng. Vì thề mà nhà cửa khang trang, cuộc sống thoải mái hơn, lo cho các con ăn học đàng hoàng, đứa con trai lớn hiện là Kỹ Sư đang làm việc tại tỉnh Kiên Giang, đứa con gái út hiện đang học lớp 10. Anh Lý Văn Thêm cho biết thêm:  Sắp tới đây tôi tăng đàn thêm bán cho bà con nông dân nuôi, mau lớn thu nhập lợi nhuận cao.

Có thể thấy mô hình nuôi dê kết hợp làm vườn của anh Lý Văn Thêm đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là một trong những mô hình cần nhân rộng trên địa bàn xã Mỹ Hiệp nói riêng, huyện Chợ Mới nói chung.

 

 

 

 

Nhật Nam - Hồ Toàn (Đài Truyền thanh huyện Chợ Mới)