CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Trồng trọt - BVTV

Tổng kết ngành nông nghiệp 2020 và kế hoạch 2021

11:55 31/12/2020

Vào chiều ngày 24/12/2020, tại hội trường UBND tỉnh An Giang đã diễn ra cuộc họp trực tuyến “Tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020 và kế hoạch năm 2021”. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: Năm 2020, ngành Nông nghiệp đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức: Đại dịch Covid-19; Dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm; Lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn;... Nhưng với tinh thần tiến công, đồng thuận nên toàn ngành đã vượt qua và đạt được những kết quả rất đáng phấn khởi.

Tại điểm cầu An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch UBND tỉnh đã tóm lược hiệu quả quá trình tái cơ cấu nông nghiệp: Chuyển đổi được hơn 25 ngàn ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái, và lợi nhuận đã tăng thêm gấp nhiều lần so với trồng 3 vụ lúa trong năm; vì trồng lúa chỉ thu lãi khoảng 45 triệu đồng/ha/năm, trong khi trồng các loại rau ăn lá thu lãi hơn 130 triệu đồng/ha/năm. Chuyển đổi sang trồng cây ăn trái cũng mang lại lợi nhuận từ 500 đến 800 triệu đồng/ha sau 2 hoặc 3 năm đầu tư. An Giang đã thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng. Là tỉnh đầu nguồn, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên An Giang đã tập trung phát triển thủy sản, để hướng tới trở thành Trung tâm cung cấp giống Thủy sản chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. Nhưng, bên cạnh thuận lợi thì khó khăn vẫn đan xen, nhất là hạ tầng giao thông và ưu đãi vốn tín dụng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển. Để thực hiện tốt mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp, An Giang kiến nghị một số nội dung sau: (1) Kiến nghị Chính phủ cho chủ trương thực hiện Đề án hỗ trợ xây dựng kho tạm trữ lúa gạo và kho trữ lạnh cho thủy sản nhằm bình ổn giá các ngành hàng này. (2) Kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sớm xây dựng thương hiệu cá Tra Việt Nam. (3) Bố trí ưu tiên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 các công trình hạ tầng nông nghiệp liên vùng và hệ thống logistic phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản. (4) Xem xét hỗ trợ đưa dự án Xây dựng hệ thống hồ trữ ngọt gắn với hạ tầng thủy lợi phục vụ liên kết sản xuất tiểu vùng tứ giác Long Xuyên vào Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (khoảng 1.600 tỷ đồng).

Về phát triển nông nghiệp, tuy đã phải gánh chịu rất nhiều trở ngại bởi thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn vượt qua và giữ vững tăng trưởng. Giá trị sản xuất toàn ngành năm 2020 dự kiến tăng 2,75% so với năm 2019, trong đó nông nghiệp tăng 2,7%, lâm nghiệp tăng 2,4%, thuỷ sản tăng 3,3%; GDP toàn ngành dự kiến tăng 2,65%; Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 41,2 tỷ USD; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 62%.

Cụ thể tăng trưởng được biểu đạt qua các chỉ số sau: (1) Sản lượng lúa cả năm đạt 42,8 triệu tấn, tuy có giảm khoảng 687 nghìn tấn do diện tích gieo trồng giảm, nhưng năng suất tăng 0,5 tạ/ha so với năm 2019; Tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm trên 85% lượng gạo xuất khẩu, đã góp phần nâng giá gạo xuất khẩu từ 440 USD/tấn năm 2019 lên 496 USD/tấn năm 2020. (2) Rau màu: Diện tích rau, đậu các loại đạt trên 1,13 triệu ha, trong đó rau 975 nghìn ha, tăng 10,6 nghìn ha. Sản lượng ước đạt 18,2 triệu tấn, tăng 368 nghìn tấn. (3) Cây ăn quả: Diện tích tăng mạnh, đạt khoảng 1,1 triệu ha, tăng khoảng 32,8 nghìn ha. Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, như: Xoài 880 nghìn tấn, tăng 4,9%; thanh long 1.360 nghìn tấn, tăng 8,8%; cam 1.100 nghìn tấn, tăng 8,14%; bưởi 830 nghìn tấn, tăng 1,35%; vải 310 nghìn tấn, tăng 15,0%; sầu riêng đạt khoảng 630 nghìn tấn, tăng 11,6%;... (4) Chăn nuôi chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất. Tổng sản lượng thịt các loại ước đạt 5,39 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2019; trong đó, thịt lợn 3,46 triệu tấn, tăng 3,9%; thịt gia cầm 1,42 triệu tấn, tăng 9,2%; thịt bò 372,5 nghìn tấn, tăng 4,8%; trứng đạt 14,54 tỷ quả, tăng 9,5%; sữa bò tươi đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 10,2%. Sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp phát triển mạnh, năm 2020 đạt 20,5 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 2019. (5) Thủy sản: Tổng sản lượng thủy sản ước đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 1,9%; trong đó khai thác ước đạt trên 3,84 triệu tấn, tăng 2,5%; nuôi trồng đạt khoảng 4,56 triệu tấn, tăng 1,4% (cá tra đạt 1,5 triệu tấn, giảm 4,8%; tôm đạt 915,5 nghìn tấn, giảm 7,3%). (6) Lâm nghiệp: Diện tích rừng trồng được chăm sóc đạt trên 530 nghìn ha, diện tích khoanh nuôi xúc tiến tái sinh 200 nghìn ha. Trồng được khoảng 80 triệu cây phân tán. Tỷ lệ diện tích rừng trồng từ nguồn giống có kiểm soát và chứng nhận năm 2020 ước đạt 90%, tăng 12,2% so với năm 2015. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng sản xuất đạt 20,5 triệu m3. (7) Diêm nghiệp: Diện tích sản xuất muối đạt 11.926 ha; sản lượng đạt khoảng 1,33 triệu tấn, tăng 33,5% so với 2019.

Đạt được thành quả trên chủ yếu là nhờ cơ cấu sản xuất tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng và an toàn chất lượng. Song song với chú trọng thị trường trong nước là đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tháo gỡ nhiều rào cản xuất khẩu. Nhờ vậy, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, xuất khẩu vẫn tăng cao. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2020 ước đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,6% so với năm 2019 (trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt trên 12,3 tỷ USD; tôm ước đạt trên 3,7 tỷ USD; rau quả đạt gần 3,3 tỷ USD; hạt điều đạt 3,2 tỷ USD; gạo 3,07 tỷ USD).

Các biện pháp thâm nhập thị trường: (1) Trong nước: Phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm nông sản đặc sản địa phương. (2) Ngoài nước: xây dựng các kênh thông tin thị trường xuất khẩu để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau đại dịch Covid-19, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Mở cửa thị trường và tích cực xử lý các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, nhất là các thị trường trọng tâm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc... (3) Tổ chức hội thảo về các giải pháp trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ kết nối đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị. Theo dõi tình hình cung cầu hàng nông sản thiết yếu (đặc biệt là thịt lợn) và đề xuất những giải pháp tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa.

Các biện pháp gia tăng giá trị hàng nông sản, mở rộng thị trường và sản xuất thích ứng với biến đổi khi hậu: (1) Phát triển kinh tế hợp tác để có nhiều điều kiện đầu tư sản xuất sạch. (2) Kết nối với doanh nghiệp để đưa nhanh tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ. (3) Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và thủy lợi để phòng chống thiên tai. (4) Trước hệ quả hiện hữu từ hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, cần một giải pháp không quá tốn kém và có thể áp dụng ngay để mang đến một diện mạo mới cho đồng bằng, đó là xây dựng hồ trữ nước kết hợp với trồng tràm, nuôi thủy sản và cụm tuyến dân cư.

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề ra một số chỉ tiêu cho kế hoạch năm 2021: (1) Trồng trọt: Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 1,3%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt đạt 105 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt 47,7 triệu tấn. Trong đó, cây lúa: diện tích 7,3 triệu ha, tăng 32,2 nghìn ha, sản lượng 43,04 triệu tấn; Cây ngô: diện tích 920 nghìn ha, sản lượng 4,49 triệu tấn. Khoai lang: diện tích 105 nghìn ha, sản lượng trên 1,33 triệu tấn. Cây sắn: diện tích 512 nghìn ha, sản lượng 10,5 triệu tấn. Diện tích rau, đậu các loại trên 1,16 triệu ha; trong đó, rau các loại 1,02 triệu ha, tăng 45 nghìn ha; diện tích đậu các loại 144 nghìn ha, tăng 12,9 nghìn ha; sản lượng rau các loại phấn đấu đạt 19,1 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn; sản lượng đậu các loại 181,4 nghìn tấn, tăng 17,9 nghìn tấn. Cây công nghiệp hàng năm: Cây lạc: diện tích 167 nghìn ha, sản lượng 417,5 nghìn tấn. Đậu tương: diện tích khoảng 40 nghìn ha, sản lượng 63,2 nghìn tấn. Cây mía: diện tích khoảng 180 nghìn ha, năng suất 660 tạ/ha, sản lượng 11,9 triệu tấn. Cây công nghiệp lâu năm: cà phê: ổn định diện tích khoảng 675 nghìn ha, sản lượng 1,75 triệu tấn; cao su: diện tích khoảng 930 nghìn ha, sản lượng 1,31 triệu tấn; cây chè: ổn định diện tích 120 nghìn ha, sản lượng 1,05 triệu tấn; cây điều: diện tích 297 nghìn ha, sản lượng 360 nghìn tấn; cây hồ tiêu: giảm diện tích còn 125 nghìn ha, sản lượng 278,3 nghìn tấn. Cây ăn quả: Tăng diện tích lên 1,15 triệu ha, trong đó cây ăn quả chủ lực 865 nghìn ha: Cây chuối, phát triển các vùng sản xuất tập trung hàng hóa, diện tích 154 nghìn ha, sản lượng 2,3 triệu tấn; cây xoài, tiếp tục mở rộng diện tích lên 109 nghìn ha, sản lượng 910 nghìn tấn; cây cam, ổn định diện tích 98-100 nghìn ha, sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn; cây vải, ổn định diện tích 55 nghìn ha, sản lượng 300 nghìn tấn; cây dứa, diện tích 49,5 nghìn ha, sản lượng 770 nghìn tấn; cây thanh long, ổn định diện tích 63 nghìn ha, sản lượng 1,5 triệu tấn… (2) Chăn nuôi: Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,7%; sản lượng thịt hơi các loại đạt 5,72 triệu tấn; sản lượng trứng các loại khoảng 15,6 tỷ quả; sản lượng sữa đạt trên 1,21 triệu tấn; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi đạt trên 21,48 triệu tấn. (3) Thủy sản: Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 3,8%; tổng sản lượng 8,5 triệu tấn, trong đó nuôi trồng khoảng 4,9 triệu tấn, khai thác khoảng 3,6 triệu tấn; giá trị sản phẩm thu hoạch/ha mặt nước NTTS đạt 255 triệu đồng. (4) Lâm nghiệp: Phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 5,0%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42% và nâng cao chất lượng rừng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 21 triệu m3.

Từ bao đời nay, song hành với áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nông nghiệp vẫn luôn cố gắng xứng đáng là trụ cột của nền kinh tế. Dành nguồn lực thích đáng đầu tư cho nông nghiệp chính là đầu tư vững chắc cho tương lai.

Kim Kiều