CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Sử dụng rau mầm đúng cách để tốt cho sức khỏe

09:02 10/12/2018

Rau mầm có mùi vị cay, nồng, ngọt tùy theo từng loại. Rau được trồng bằng các loại hạt giống phổ biến như củ cải, cải bẹ xanh, đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, cải ngọt, cải cúc, rau muống, vừng đen, rau dền… Rau mầm được sử dụng trong việc chế biến thành các món ăn đa dạng như xào, lẩu, súp, các món cuộn, trộn salad hay ăn kèm cùng các loại bánh, thịt, hải sản…

Rau mầm được đánh giá là có giá trị dinh dưỡng cao gấp 5 lần so với các loại rau bình thường và là nguồn chất xơ tự nhiên, giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Rau mầm có chứa nhiều loại vitamin, axit amin và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể với hàm lượng cao, cứ 50 gam rau mầm tương đương với lượng dinh dưỡng trong 200 gam rau bình thường.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, rau mầm có những tác dụng như sau:

- Ngăn ngừa ung thư: Rau mầm có khả năng làm giảm lượng axit trong cơ thể vì chúng có tính kiềm (đây là một trong những nguyên nhân gây nên ung thư). Đồng thời, trong tất cả các loại rau mầm đều có chứa chất glucosinonates (GSL), khi chúng ta nhai rau mầm trong miệng, chất này sẽ biến đổi thành isothiocyanates (ITC) có tác dụng giúp chơ thể chống lại sự phát triển của các tế bào ung thư.

- Kích thích mọc tóc: Vitamin C dồi dào trong rau mầm có tác dụng ngăn chặn rụng tóc và kích thích tóc mọc nhiều hơn, đều hơn.

- Tăng cường tuần hoàn máu: Rau mầm giúp lưu thông máu đến não, tim và các cơ quan khác để cơ thể hoạt động, thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể

- Cực kỳ có lợi cho da:  Rau mầm thúc đẩy sản sinh collagen, tăng độ đàn hồi da, tiêu diệt các tế bào gốc tự do giúp da trẻ trung hơn. Đặc biệt, rau mầm còn ngăn ngừa được bệnh ung thư da nữa. Nguồn vitamin E dồi dào còn giúp làm chậm quá trình lão hóa.

- Giúp kiểm soát lượng đường trong máu: Trong rau mầm có chất chống oxy hóa sulphoraphanes có tác dụng làm giảm insulin và giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường loại 2.

- Tốt cho hệ tiêu hóa: Trong rau mầm có hàm lượng chất xơ cao, giúp nhu ruột hoạt động tốt hơn, dạ dày co thắt tốt dẫn đến việc tiêu hóa thức ăn không gặp trở ngại.

- Rau mầm giúp tránh chất phóng xạ: Rau mầm dồi dào chất antioxidants giúp tránh khỏi hóa chất phóng xạ độc hại từ môi trường.

Một số điều cần lưu ý:

Không phải rau mầm nào cũng tốt, cũng vô hại. Một số loại rau mầm không được ăn như mầm cây sắn, mầm khoai lang, mầm đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim, các loại dưa dây. Nếu ăn vào, cơ thể dễ bị nhiễm độc. hỉ nên ăn những loại rau mầm từ giá đỗ, bông cả xanh, củ cải trắng, các loại đậu, các loại hạt từ rau xanh… vì chúng không có độc và cực tốt cho sức khỏe.

Hiện nay, hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm và đây chính là cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ từ lượng phân bón thấm vào rau mầm khi người ta cố tình dùng nó để kéo dài ngày thu hoạch.

Do vậy, khi chọn mua rau mầm nên chọn rau mầm có nguồn gốc, uy tín, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Rau mầm tốt nhất là được nấu chín, hạn chế ăn sống, nhất là đối với người già, trẻ em và người có miễn dịch yếu.

Tuy rau mầm rất tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn nhiều. Mỗi người chỉ nên ăn từ 50 – 60g rau mầm trong mỗi bữa và cần sử dụng xen kẽ với các thực phẩm, rau xanh trưởng thành khác.

 

Quang Hiển (st)