CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Những phụ nữ An Giang nhiệt tình tiếp cận khoa học kỹ thuật mới trên đồng ruộng

09:02 12/03/2020

Cũng như những người phụ nữ khác trong vùng, chị Nguyễn Thị Nhĩ, xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn (An Giang) đã được tham gia lớp tập huấn 4 ngày về tiêu chuẩn canh tác lúa gạo bền vững SRP (Sustainable Rice Platform) do Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức trong khuôn khổ của Dự án sáng kiến lúa gạo Châu Á giai đoạn 2, với sự hỗ trợ của tổ chức hợp tác Đức (GIZ) và Công ty Olam Việt Nam.

Chị Nguyễn Thị Nhĩ, 49 tuổi,  vui mừng chia sẽ: “Sau khi được tham gia lớp tập huấn về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững ở vụ Thu Đông 2019, tôi đã thay đổi tư duy sản xuất cũng như hành động trong canh tác lúa của gia đình. Vấn đề về xử lý rơm rạ sau canh tác, tôi tuyệt đối không đốt đồng. Về rơm, gia đình tôi thường bán hoặc tận dụng để trồng nấm rơm; và xử lý Tricoderma đối với gốc rạ còn lại”

“Tôi được hiểu rõ hơn về quản lý dịch hại theo nguyên tắc “4 đúng”. Nhắc nhở chồng mình khi phun thuốc Bảo vệ thực vật phải mang bảo hộ lao động, và cấm bảng cảnh báo ruộng mới phun thuốc BVTV” Chị Nhĩ nói thêm.

Không chỉ riêng chị Nhĩ, các hộ nông dân khác cũng đã thay đổi tư duy để sản xuất lúa bền vững sau khi tham gia lớp tập huấn SRP. Chị Đặng Thị Nhị, 29 tuổi, Khuyến nông viên xã Tân Tuyến, người đã nhiệt tình vận động nông dân tham gia tập huấn về SRP, chia sẽ: “Ban đầu đối với nông dân ở đây, 41 tiêu chí đặt ra trong chương trình canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế SRP có vẻ rất khó thực hiện, mặc dù nông dân trước đây đã từng được tập huấn về quy trình “3 giảm 3 tăng” hoặc “1 phải 5 giảm” trong canh tác lúa. Các tiêu chí đưa ra những đòi hỏi khắt khe để đảm bảo việc sản xuất ra lúa an toàn, bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng. Nhưng sau khi được tập huấn và theo dõi mô hình trình diễn, nông dân cũng dần dần thay đổi thói quen canh tác: hạn chế đốt đồng, có cảnh báo sau khi phun thuốc Bảo vệ thực vật, biết quản lý dư lượng thuốc, ghi chép sổ nhật ký nông hộ,…”

Chương trình không chỉ đem lại lợi ích cho nông dân, cộng đồng mà còn góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Và rõ ràng, hiệu quả của lớp tập huấn SRP giúp nâng cao được nhận thức, thay đổi hành vi trong sản xuất lúa đối với nông dân Tân Tuyến đã thấy được vai trò của phụ nữ trong canh tác lúa ở An Giang ngày càng quan trọng.

Năm 2019, An Giang đã tổ chức 27 lớp huấn luyện về tiêu chuẩn SRP cho 810 nông dân (trong đó phụ nữ chiếm 11%) thuộc 5 huyện trong vùng dự án (Thoại Sơn, An Phú, Châu Thành, Tri Tôn và Tịnh Biên), và 1 lớp cho 30 trưởng, phó nhóm nông dân về ghi chép sổ Nhật ký nông hộ, Lịch thời vụ, lên kế hoạch sản xuất, xuống giống quản lý cỏ, quản lý nước, quản lý dinh dưỡng, quản lý dịch hại, sức khỏe và an toàn lao động,…

Tiếp nối sự thành công đó, năm 2020 được sự hỗ trợ của Dự án BRIA II Trung tâm Khuyến nông, phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức 30 lớp tập huấn về tiêu chuẩn canh tác lúa bền vững SRP phiên bản 2.0 cho 900 nông dân tại vùng dự án.

 

Chị Nguyễn Thị Nhĩ, nữ nông dân xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn (An Giang)

Các nữ nông dân tham gia thảo luận nhóm trong buổi tập huấn

Lớp huấn luyện về tiêu chuẩn SRP cho 810 nông dân, trong đó phụ nữ chiếm 11%

Trần Thị Cẩm Tú - Trung tâm Khuyến nông An Giang