CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Mô hình hiệu quả

Thu nhập cao từ trồng dưa hấu không hạt trong nhà lưới

02:50 31/03/2021

Trồng dưa hấu trong nhà lưới và áp dụng kỹ thuật tiên tiến là một trong những biện pháp nâng cao chất lượng, đảm bảo về năng suất, đặc biệt là an toàn cho người tiêu dùng. Đây cũng là phương pháp giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng mà ngành nông nghiệp đã khuyến khích áp dụng. Tận dụng nhà lưới có sẵn trồng các loại rau, dưa, bí trước đây, anh Trần Công Quyển ở xã Vĩnh Thành, Châu Thành, An Giang đã được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng dưa hấu không hạt theo hướng an toàn cho năng suất cao, được thương lái bao tiêu sản phẩm.

Đây là vụ thứ 3 anh Quyển mạnh dạn trồng dưa hấu không hạt, 2 vụ trước anh đã trồng dưa có hạt, tuy thành công nhưng giá bán bấp bên không được thương lái bao tiêu sản phẩm nên lợi nhuận không cao. Với kinh nghiệm từ bản thân trước đây và cách làm đầy sáng tạo của anh Quyển đã làm giàn cho dưa hấu leo trong nhà lưới nên đạt hiệu quả cao cả về năng suất cũng như chất lượng. Với phương pháp trồng hiện đại cộng thêm sự hướng dẫn nhiệt tình cán bộ Khuyến nông, dưa ít sâu bệnh gây hại nên sản phẩm trái đẹp, an toàn do đó được thương lái hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay đầu vụ với mức giá 8.000 đồng/kg.

Với diện tích trồng 2.000m2, anh Quyển phủ lưới xung quanh gieo 3 loại giống, sau 65 ngày thu hoạch cho thấy trọng lượng mỗi trái đạt từ 2,5-4 kg, có những trái nặng gần 5kg. Ngoài trái to, mẫu mã đẹp dưa anh Quyển trồng còn cho năng suất cao như giống Mặt trời đỏ đạt gần 4tấn/1.000m2, giống Lộc Phát đạt gần 5tấn/1.000m2. Sau khi trừ tất cả chi phí, anh Quyển đã thu lại lợi nhuận từ 16-24 triệu đồng/1.000m2, riêng mô hình dưa có hạt lợi nhuận thấp khoảng 4 triệu/1.000 m2. Anh Quyển phấn khởi tâm sự: trước đây tôi trồng các loại bí rợ, dưa leo và dưa hấu có hạt cho lợi nhuận thấp, trong vụ này nhờ chương trình khuyến nông đã hỗ trợ một phần kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật nên tôi mạnh dạn trồng dưa hấu không hạt, kết quả tôi thu lợi nhuận cao hơn 2 lần so với các vụ trồng trước đây. Về kỹ thuật đối với mô hình trồng theo cách này sẽ tốn công hơn so với trồng cho dây leo dưới đất, do phải làm giàn giá đỡ cho trái. Tuy có cực công chăm sóc, nhưng bù lại trái dưa rất đẹp, to tròn, vị ngọt thanh, thời gian để được lâu hơn.

Kinh nghiệm từ thực tế anh Quyển chia sẻ thêm, việc áp dụng trồng dưa trong nhà lưới vừa giúp che chắn mưa nắng, vừa ngăn côn trùng xâm nhập. Ngoài ra, trồng ngoài trời chỉ được 2 vụ/năm nhưng trồng trong nhà lưới được 3-4 vụ/năm. Đặc biệt giảm từ 5-7 lần/vụ phun thuốc bảo vệ thực thực do ít sâu bệnh dịch hại (giảm 70-80% số lần phun thuốc) và công chăm sóc cũng giảm hơn so với trồng dưa ngoài trời, do đó giúp giảm chi phí đáng kể trong sản xuất, do giảm tới mức tối đa việc phun thuốc bảo vệ thực vật. 

Ông Võ Thanh Mạnh, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ - Trung tâm Khuyến nông An Giang, để dưa hấu phát triển tốt, người trồng cần phải xử lý đất tốt, nhất là các nền đất trồng nhiều vụ cây họ bầu bí dưa thì cần phải tạo lũ giả (ngâm nước cho ngập khoảng 7 ngày) rồi tháo nước ra, bón vôi (50 -100 kg/1000m2) và phơi đất khoảng 15 ngày, sau đó làm đất, lên liếp bình thường. Đặc biệt, để hạn chế chết cây nên bón thêm phân hữu cơ và nấm Trichoderma với liều lượng 1kg/1000 m2. Người trồng nên phủ rơm hoặc dùng màn phủ nông nghiệp để giữ độ ẩm cho đất, hạn chế sự phát triển của cỏ dại và giúp cây phát triển tốt. Lưu ý, giai đoạn ra hoa cần thụ phấn cho cây nên tập trung trong 3-5 ngày để tạo trái đẹp, phát triển đồng đều.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến nông An Giang, Huỳnh Đào Nguyên cho biết năm 2020, Trung tâm Khuyến nông An Giang đã trình diễn gần 50 mô hình về trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản đã mang lại kết quả tích cực. Trong đó mô hình trồng dưa hấu không hạt trong nhà lưới cho dây leo trên giàn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng ngoài trời giảm chi phí sản xuất, trái đẹp, ngon và đặc biệt tạo ra được sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, mô hình này có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh, giúp cho nông dân tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới để giảm dần việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giá trị sản phẩm được nâng lên và đặc biệt đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Trang Nghiêm