CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Truyền thông nông nghiệp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nông nghiệp địa phương

03:10 21/12/2020

Truyền tải thông tin là một trong những phương pháp tiếp cận nông dân một cách hiệu quả nhất, tác động tích cực đến nền sản xuất nông nghiệp địa phương từ đó thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông thôn,  xoá bỏ dần khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị, từ đó tạo thành điển hình, nhân rộng ra nhiều nơi trong tỉnh. Nâng cao kiến thức cho nông dân, áp dụng vào thực tiễn sản xuất một cách có hiệu quả để nâng cao kinh tế nông hộ. Tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp và nông dân giao lưu, hợp tác, trao đổi chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, quảng bá các thiết bị sản phẩm, mở rộng kinh doanh để cùng phát triển thị trường nội địa, đẩy mạnh xuất khẩu.

Dự án Truyền thông công tác khuyến nông phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh An Giang được Trung tâm Khuyến nông An Giang xây dựng và triển khai thực hiện trong gian đoạn năm 2018 – 2020. (Có sự phê duyệt của UBND tỉnh An Giang, theo Quyết định số: 574/QĐ-UBND ngày 23/3/2018)

Các giải pháp được thực hiện trong Dự án: Xây dựng Quán Cà phê Khuyến nông; Hoạt động xúc tiến thương mại và thông tin quảng bá; Khuyến nông trên Đài Phát thanh và Truyền hình; Biên tập và phát hành Bản tin Khuyến nông và Thị trường.

Đến thời điểm hiện nay, đã xây dựng 33 Quán Cà phê Khuyến nông, phủ đều khắp 11 huyện thành thị trong tỉnh. Ngoài ra, tại các Quán, còn được cung cấp định kỳ các loại sách báo như: Khoa học phổ thông, Bóng đá Chủ nhật, Pháp luật, Tuổi trẻ,  An Giang, Nông nghiệp Việt Nam, tài liệu kỹ thuật, ấn phẩm khuyến nông, băng đĩa Video,... Sách báo được cập nhật thường xuyên thông qua hệ thống phát hành của Bưu điện, giao đến tận nơi.

Nhằm tạo môi trường thuận lợi để giúp các Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của nông dân, các sản phẩm làng nghề có cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm, thuận lợi trong mối quan hệ đối tác, làm đầu mối để ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với nông dân đồng thời giúp các Tổ đội, Chi hội nhân giống lúa trong tỉnh An Giang thương hiệu hóa sản phẩm, tăng giá trị hàng nông sản, góp phần tăng trưởng kinh tế tỉnh nhà, Trung tâm Khuyến nông An Giang còn tạo đều kiện cho các đối tượng tham dự các kỳ Hội chợ Thương mại nông nghiệp, kết nối cung cầu trong tỉnh và ngoài tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ truyền thông khuyến nông lâu dài, có hệ thống. Thường xuyên cập nhật trên Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang.

Phối hợp với Đài Phát thanh Truyền hình An Giang, xây dựng Chuyên mục Khuyến nông trên Đài Truyền hình An Giang. Phát định kỳ 1 tháng/kỳ. Thời lượng chương trình: 3-4 phút. Nội dung chuyên đề,  tập trung vào các vấn đề như: Giới thiệu mô hình hiệu quả kinh tế cao và an toàn môi trường, gương điển hình nông dân sản xuất giỏi, sáng tạo cải tiến kỹ thuật, phổ biến biến kiến thức khoa học kỹ thuật, công nghệ mới.

Tính đến thời điểm, đã xây dựng và phát hình 12 chuyên đề Khuyến nông trên truyền hình: Mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học; mô hình nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao; phát triển cây màu trên vùng đất lúa kém hiệu quả, cơ giới hóa trong nông nghiệp, sản xuất lúa theo hướng bền vững đáp ứng yêu cầu xuất khẩu; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp;...

Phát hành Bản tin Khuyến nông và Thị trường, Gồm các chuyên mục chính: Chuyện mùa màng; Tin sản xuất nông nghiệp tại địa phương; Thông tin dự báo sâu bệnh; Chủ trương chính sách, văn bản điều hành sản xuất nông nghiệp; Thông tin khoa học kỹ thuật; Giới thiệu mô hình hiệu quả kinh tế cao; Điểm tin thị trường nông sản; Giá cả thị trường tại An Giang và khu vực. Trong 03 năm (2018 – 2020) phát hành 28.800 cuốn Bản tin Khuyến nông và Thị trường. Điểm  phát hành: Quán Cà phê khuyến nông, Hợp tác xã Nông nghiệp, Đài truyền thanh, các tỉnh thành, cơ quan Trung ương.

Nhìn chung, Dự án đã góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng về thông tin cho người nông dân

 trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Các doanh nghiệp có thêm cơ hội đầu tư và tiếp cận vùng nguyên liệu sản xuất, tạo hướng mới cho việc phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hướng ra tầm nhìn thế giới.

Các kênh chuyển giao thông tin được sử dụng và phối hợp một cách sáng tạo làm phong phú và đa dạng hóa các mô hình. Đây chính là những nét đột phá chính của công tác khuyến nông trong giai đoạn hiện nay cũng như sắp tới.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục duy trì các hình thức hoạt động đã được xây dựng thành giải pháp của Dự án. Tiếp tục phát triển thêm các điểm Quản cà phê Khuyến nông trong tỉnh. Tăng cường báo chí và các ấn bản khuyến nông.

 

Lê Thiện Tùng