CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Nông thôn mới

Tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai Chương trình OCOP

02:30 24/02/2021

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT An Giang, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Đề án mỗi xã Một sản phẩm tỉnh An Giang (Đề án OCOP_AG), có 37 sản phẩm được công nhận đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh. Kết quả này là tiền đề để các địa phương tích cực đăng ký sản phẩm mới tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được trong quá trình triển khai Chương trình này đang phát sinh những khó khăn cần tháo gỡ. Điển hình hệ thống điều hành chung của Chương trình OCOP là Ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp, nên tất cả nhân sự trực tiếp triển khai đều kiêm nhiệm (trừ bộ phận chuyên trách của VPNTM Trung ương), chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa được đào tạo đầy đủ về các nội dung liên quan đến Chương trình nên việc triển khai thực hiện Chương trình tại một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm.

 Do các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, cần phải được sự hỗ trợ của cán bộ chuyên trách hoặc chuyên gia tư vấn am hiểu về lĩnh vực này mới có thể giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ tham gia Chương trình.

Để tiếp tục triển hiệu quả Đề án OCOP_AG, đảm bảo mục tiêu đã đề ra trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện bổ sung chức năng, nhiệm vụ Chương trình OCOP vào Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và bố trí cán bộ cấp huyện, xã thực hiện nhiệm vụ này.

 Địa phương chủ động cân đối, bổ sung ngân sách hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, thuê tư vấn giúp chủ thể kinh tế lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP …. (khi có điều kiện) theo Công văn số 6022/BNN-VPĐP ngày 01/9/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình Mỗi xã một sản phầm.

Cụ thể, trên cơ sở điều kiện và nhu cầu thực tiễn, các địa phương có thể lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình OCOP giúp các chủ thể tham gia Chương trình OCOP và các cơ quan quản lý ở địa phương trong xây dựng kế hoạch, hình thành ý tưởng, lựa chọn sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật (hỗ trợ theo chuỗi giá trị để hình thành sản phẩm OCOP), nâng cao năng lực, nâng cấp và hoàn thiện các điều kiện để được công nhận sản phẩm OCOP, phát triển sản phẩm và xúc tiến thương mại; lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn Chương trình OCOP có kinh nghiệm về lĩnh vực dịch vụ tư vấn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển được sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tượng được tư vấn.

 Đối với tổ chức có tư cách pháp nhân, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo nghề Chương trình OCOP; Có kinh nghiệm, năng lực trong tư vấn và hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm.

 Đối với cá nhân có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tư vấn, đào tạo nghề và am hiểu về Chương trình OCOP.

Nguồn: Công văn Số: 271/SNNPTNT-CCPTNT ngày 19/2/2021

Xuân Hiếu