CỔNG THÔNG TIN SỞ NÔNG NGHIỆP & PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH AN GIANG
nông nghiệp an giang
Cây thuốc nam

Công dụng chữa bệnh từ Nhàu

09:00 16/07/2019

Cây nhàu có tên khoa học là Morinda citrifolia, thuộc họ cà phê. Ở nước ta, nhàu mọc nhiều ở những vùng ẩm thấp dọc theo bờ sông, suối, ao hồ hoặc mương rạch khắp các tỉnh miền Nam và một số tỉnh miền Trung. Bộ phận dùng làm thuốc gồm tất cả từ trái, rễ, lá, hạt. Có đến 150 chất được tìm thấy trong trái nhàu, trong đó có: Sắt, Canxi, Kẽm, Đồng, Vitamin A, Vitamin C, Vitamin E, Vitamin B1,Vitamin B6, Vitamin B12, Axít Folic, Magie, Phốt pho và nhiều khoáng chất…

Theo y học, trong dịch trái nhàu có chứa chất damnacanthal có khả năng ức chế nhiều loại tế bào ung thư trên cơ chế làm giảm lượng máu cung cấp tới các khối u. Ngoài ra các dịch chiết trong trái nhàu còn giúp làm giảm quá trình tiết dịch của các niêm mạc trong dạ dày, tá tràng nên có tác dụng rất tốt trong việc điều trị bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng hay hiện tượng trào ngược dạ dày.

Theo đông y, trái nhàu có vị chát, quy vào kinh thận, đại tràng, có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, hoạt huyết, điều kinh. Theo đó, trái nhàu thường được dùng để chữa bệnh táo bón, khó tiểu, điều hòa kinh nguyệt, hạ sốt, chữa ho, hen suyễn, giúp tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể.

Một số bài thuốc chữa bệnh

               - Trị mụn cóc: Dùng trái nhàu non, giã nhuyễn và đắp lên mụn cóc và băng kín lại. Mỗi ngày thay một lần và đến ngày thứ 7 thì mụn cóc lồi lên và bạn có thể loại bỏ được mụn cóc.

               - Chữa đau nhức, mỏi cơ khớp: Trái nhàu gần chín đem thái lát, phơi khô sắc uống hoặc ngâm rượu uống ngày 15 – 20g. Hoặc lấy rễ nhàu 200g thái lát ngâm cùng 1 lít rượu trắng ngon, ngày uống 1 – 2 ly.

               - Chữa đau nhức do phong thấp: Rễ cây nhàu 20g, dây đau xương 20g, củ Khúc khắc (Thổ phục linh) 20g, rễ cỏ xước 20g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

               - Chữa đau lưng do thận: Rễ nhàu 12g, rau ngót 8g, cối xay 8g, dây gùi 8g, ngó bần 8g, đậu săng 8g, tầm gửi cây dâu 8g, rễ ngà voi 8g, ngũ trảo 12g. Đổ nửa lít nước, sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong 1 ngày (uống nóng).

               - Chữa rối loạn kinh nguyệt ở người cao huyết áp: Trái nhàu 20g, Ích mẫu 20g, Hương phụ (củ gấu) tẩm dấm sao 12g, Cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày một thang, chia 2-3 lần uống trong ngày.

               - Chữa táo bón: Trái nhàu chấm muối, ăn ngày 1 – 2 trái.

               - Chữa huyết áp, chóng mặt, mất ngủ: Rễ nhàu thái lát phơi khô, sắc uống ngày 20 – 30g hoặc kết hợp với ngưu tất, hoa hòe, sinh địa mỗi vị 12 – 16g, sắc uống.

               - Trị kiết lỵ, tiêu chảy, cảm sốt: Dùng 3 – 5 trái nhàu già, nướng chín để ăn. Hoặc dùng lá nhàu 12g, cỏ sữa 10g đem sắc uống.

               - Chữa đau đầu, mất ngủ do huyết ứ: Dùng rễ nhàu 50g, ngưu tất 20g, thảo huyết minh 15g sắc uống.

               - Nước ép của trái nhàu: Xay trái nhàu tươi, sau đó lấy khăn lọc, ép lấy nước cốt. Dùng ngay khi bụng còn đói, uống từng ngụm nhỏ. Công dụng làm đẹp, dễ dàng tiêu hóa, ổn định huyết áp, loại bỏ độc tố, hỗ trợ điều trị hen suyễn, trị ho, chữa đau nửa đầu.

 

               - Trị các bệnh về da: Chà xát trái nhàu tươi lên da để chữa bệnh nấm da và những bệnh liên quan đến da hoặc những vết bầm tím hay những vùng da, xương bị đau.

               Lưu ý:

               - Khi sử dụng trái nhàu, nên kiêng uống rượu, tra và cà phê.

               - Nhàu có tính thông kinh hoạt huyết mạnh nên không được dùng cho phụ nữ đang mang thai.

 

Sưu tầm - Tổng hợp