Cổng thông tin điện tử Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang
Cổng thông tin sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh An Giang
Trang chủ
 
 
 
 
 

Liên kết website
Skip portlet Portlet Menu
 

Dự báo thời tiết
Skip portlet Portlet Menu

Cao Bằng

Cà Mau

Đà Nẵng

Hà Nội:

TP.HCM: 

Huế

Lạng Sơn

Nha Trang

Phan Thiết

Phú Quốc

Quy Nhơn

Sơn La

 

Web Content Viewer
Skip portlet Portlet Menu
Warning

Warning

Invalid configuration found. Please contact your administrator.

 
 
 
 
 
 
 

Web Content Viewer
Skip portlet Portlet Menu
Thủy sản
 
Định hướng phát triển nghề nuôi cá tra (05/09/2018)
Trong hai thập niên phát triển, nghề nuôi và chế biến cá tra – basa, An Giang đã trải qua quá nhiều bước thăng trầm. Trở về quá khứ để nhận diện hiện tại, định hướng tương lai,… cũng là cách tri ân những nông dân một nắng hai sương đã đóng góp công lao to lớn giúp cá tra, ba sa vươn tầm thế giới! Ngay từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, nghề nuôi cá basa cùng với ngành công nghiệp chế biến phi-lê đã đưa An Giang đứng đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu cá nước ngọt.

 

Vào những năm 90, có lúc sản lượng cá ba sa của An Giang đạt hơn 20.000 tấn/năm, với khoảng 2.000 chiếc bè thả nuôi. Theo thời gian, sản lượng xuất khẩu cá ba sa phi lê ngày càng sụt giảm do giá thành cao. Và từ nhiều năm nay nghề nuôi cá ba sa đã thu hẹp rất nhiều, bởi chủ yếu là tiêu thụ nội địa. Với lợi thế là địa phương đầu nguồn sông Cửu Long, có nguồn lợi cá tra bột dồi dào do thiên nhiên ban tặng, An Giang đã phát triển mạnh mẽ nghề ương nuôi cá tra trong ao hầm từ những năm 60. Trước nhu cầu ngày càng tăng của thị trường, và áp lực phải bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nên từ giữa thập niên 90, nghề sinh sản nhân tạo cá tra đã thay thế dần nghề khai thác cá tra bột trên sông. Có nguồn giống dồi dào, con cá tra từ chỗ chỉ nuôi trong ao hầm nước tĩnh, đã bước đầu được thả nuôi trong lồng bè. Cá tra nuôi bè có chất lượng thịt thơm ngon không thua gì cá ba sa, mà thời gian nuôi cũng được rút ngắn hơn khá nhiều. Nhà xuất khẩu cũng rất ưa chuộng cá tra bởi tỉ lệ phi lê đạt cao hơn nhiều so với cá ba sa vì ít mỡ bụng. Nhưng phát triển cá tra bè được chừng 3 năm thì lại có vấn đề mới phát sinh, đó là dịch bệnh trên cá. Sông sâu nước chảy, cá mà bị bệnh thì phải tốn rất nhiều tiền thuốc và hóa chất để điều trị, và nghề nuôi cá tra bè dần mai một. Thay vào đó, với lợi thế sẵn có, cùng với việc không ngừng cải tiến công nghệ nên cá tra nuôi thâm canh trong ao luôn đạt chất lượng cao mà giá thành khá thấp, và nghề nuôi cá tra ao hầm bước vào thời kỳ phát triển đột phá. Vào gần cuối thập niên 2000, An Giang sản xuất lượng cá tra thương phẩm đứng đầu cả nước, với hơn 300.000 tấn/năm, và là địa phương giữ ngôi vị quán quân về xuất khẩu cá nước ngọt, có thời điểm đạt kim ngạch 420 triệu USD/năm.

 

Có thể mô tả thời kỳ phát triển hưng thịnh của con cá tra những năm 2003 - 2008 như thế này: Đi dọc theo hương lộ làng quê nghề cá, chúng ta sẽ được nhìn ngắm thỏa thích hàng hàng lớp lớp ao hầm, những con cá to quẫy mình trắng xoá trong các ao nuôi với mực nước được bơm ngập tận mé bờ. Những công nhân tất bật chuẩn bị bữa ăn cho cá, tạo nên bầu không khí vô cùng nhộn nhịp cho một làng nghề mới nổi. Tận mắt quan sát những con cá tranh ăn mồi mà cảm nhận cả bầu trời hy vọng. Giữa không gian của trùng điệp ao hầm là râm ran âm thanh được phát ra từ những chiếc máy nổ, nơi thì đặt máy ở bờ sông để bơm cấp nước cho ao, nơi thì đặt máy tại trại để ép viên thức ăn cho cá. Quán sá thật đông vui với ra rả tiếng nói cười… Tất cả những điều rất ư bình dị kia chính là đời sống thực tại làng quê nghề cá của nông thôn An Giang của hơn 10 năm trước.

 

Điểm qua lợi thế để thấy rằng, nông dân nuôi cá tra xuất khẩu ở An Giang đã góp công rất lớn trong việc giải quyết việc làm, đem lại ấm no, sung túc cho xứ sở. Tuy nhiên, bây giờ khi đến làng quê nuôi cá tra, bao người có tâm huyết với nghề cá tỉnh nhà đã phải mủi lòng, bởi rất nhiều ao hầm đã được san lấp để chuyển đổi chức năng. Nghề nuôi cá tra quy mô nông hộ đã bị thu hẹp rất nhiều, và ngày càng chuyên môn hóa theo hướng tập trung vùng nuôi nguyên liệu của các nhà máy. Thức ăn cho cá thì chuyển từ tự nấu sang thức ăn công nghiệp. Và người nuôi cũng phải chịu quy luật đào thải đến nghiệt ngã, nhiều “đại gia” nuôi cá nay phải tha phương cầu thực, thanh niên nông thôn lũ lượt rời bỏ làng quê để đến các khu công nghiệp tìm kế sinh nhai... Quê hương nghề cá bây giờ yên ắng lắm, bình lặng lắm.

 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nghề nuôi cá tra, nhưng chính yếu vẫn là do sự phát triển nóng của xuất khẩu đã đẩy áp lực lên người nuôi cá. Vì thấy lợi nhuận nhiều nên doanh nghiệp ồ ạt xây dựng nhà máy chế biến phi-lê cá tra. Vì thấy nhà máy nhiều nên nông dân thi nhau mở rộng vùng nuôi. Nuôi nhiều thì nhu cầu cá giống tăng cao, nhu cầu càng tăng thì giá càng cao ngất ngưỡng. Để chớp thời cơ, các chủ trại cá tra giống đã ép cho cá đẻ càng nhiều càng tốt. Cá bột kém chất lượng nên khi ương giống thường xuyên bị bệnh và phải sử dụng thuốc. Cá được sống sót nhờ ăn thuốc nên khi lớn lên phải cần lượng thuốc nhiều hơn, cũng như cần phải có môi trường nuôi tốt hơn. Nhưng vì ao liền ao, mà ao nào cũng xả thải ra sông rạch, nên rốt cuộc thì chỗ nầy xả thải chỗ kia bơm vào, và cả một vùng rộng lớn toàn là sử dụng nguồn nước ô nhiễm để nuôi cá. Rốt cuộc, người kinh doanh thuốc, thức ăn thủy sản thì cất nhà lầu, người nuôi cá xuất khẩu thì nợ nần chồng chất.

 

Lại nói về khâu xuất khẩu. Vì thấy nông dân đổ xô nuôi cá, lượng cung ngày càng nhiều nên doanh nghiệp cứ hạ thấp dần giá bán tại mỗi kỳ hội chợ để ký được nhiều hợp đồng; bởi, cứ ký trước đi, rồi đến khi về nước thì hạ thấp giá mua, có mất đi đâu mà sợ. Doanh nghiệp đã nắm được điểm yếu muôn thuở của người nuôi cá tra là: Cá nuôi để xuất khẩu thì chỉ nhà máy chế biến mới tiêu thụ, chớ nội địa đâu có khả năng hấp thu cho hết. Cũng chính vì bán giá bèo nên thuế chống bán phá giá bủa vây, cùng rất nhiều rào cản về dư lượng hóa chất, kháng sinh được dựng lên. Doanh nghiệp đã có rất nhiều nỗ lực tìm kiếm thị trường mới, nhưng vẫn cứ cạnh tranh bán giá thấp hơn để giành được mối. Rốt cuộc thì có rất nhiều đại gia xuất khẩu cùng nông dân nuôi cá tra lún sâu trong nợ nần và phá sản.

 

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để duy trì và phát triển nghề nuôi cá, như lập quy hoạch vùng nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường nhằm tránh cảnh dội chợ giảm giá; xây dựng hệ thống thủy lợi cho một số vùng nuôi để phòng ngừa dịch bệnh; củng cố hoạt động của các hội nghề nghiệp để khơi dậy phong trào nuôi; tham gia các kỳ hội chợ để quảng bá cá tra trong thị trường nội địa…

 

Nhưng sản lượng tiêu thụ cá tra tại thị trường trong nước lại không gia tăng như kỳ vọng, ngoài việc người dân thắt chặt chi tiêu, còn do cá tra nuôi quá nhiều mỡ mà thịt cá thì không được thơm như hồi xưa, (thời kỳ nuôi cá bằng thức ăn tự chế như cám, bắp, cá tạp…). Hiện, cá tra nguyên con dù có giá bán tại chợ chưa tới 35.000 đồng/kg, nhưng vẫn chưa thực sự hấp dẫn người mua. Theo ước tính, An Giang tiêu thụ cá tra tại các chợ hiện chỉ khoảng 30.000 tấn/năm, cộng với sản lượng chừng 10.000 tấn/năm chế biến khô cá tra phồng, thì tổng sản lượng cá tra tiêu thụ nội địa chỉ đạt hơn 20% sản lượng nuôi mỗi năm. Nhưng dẫu sao, đây cũng là giải pháp tạo công ăn việc làm cho những hộ nuôi quy mô nhỏ.

 

Để phát triển nghề nuôi, vực dậy lợi thế bấy lâu nay vốn có, cũng như tăng uy tín thương hiệu cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế,… cần phải thực hiện nuôi đúng kỹ thuật để hạ thấp giá thành, nâng cao chất lượng. Như vậy thì giảm giá thành, tăng chất lượng nuôi cá bằng cách nào? Xin đề xuất các giải pháp sau.

Chỉ tiến hành thả nuôi khi đã tìm được phương cách xử lý nước thải, chất thải.

Việc xử lý chất thải ao nuôi thâm canh là vấn đề thời sự hàng đầu từ nhiều năm nay, bởi đây là cách duy nhất để bảo vệ môi trường, giảm dịch bệnh, tăng chất lượng cá nuôi…. Do vậy, ngoài việc thả nuôi với mật độ hợp lý, còn phải tuyệt đối không xả trực tiếp chất thải của ao nuôi ra sông rạch. Để định kỳ xử lý nước thải và bùn thải của ao nuôi thì nhất thiết phải có ao lắng. 01 ha ao lắng có thể sử dụng để chứa nước thải của 3-4 ha ao nuôi cá tra. Nông dân cần Nhà nước quy hoạch khu vực để chứa nước thải cho ao nuôi; bởi vì đây chính là quyền lợi thiết thực, hộ nuôi sẽ sẵn sàng đóng lệ phí để được dẫn nước thải ao cá vào khu vực quy định. Về vấn đề bùn đáy ao, chỉ cần có chỗ để lắng bùn đáy thì không sợ tồn đọng, vì nhu cầu mua nguồn đất bùn nầy để đắp bờ ao, hay tôn nền ở nông thôn rất cao.

 

Hay hoặc có điều kiện lao động có thể tận dụng bùn và nước thải ao cá tra để tăng thu nhập, mà cũng vừa giúp cải thiện chất lượng đất. Nước thải và bùn thải tại ao lắng được cải thiện và sử dụng như sau: Phần đất bùn có thể trồng các cây lấy gỗ như tràm, bạch đàn,... Phần trầm thủy thì trồng những loại cây thân thảo như điên điển, rau nhút, rau muống,... để chúng hấp thu bớt độc chất của nước, sau đó, kết hợp với sử dụng vôi để xử lý nước trước khi đưa lại vào ao nuôi hay cho chảy ra kênh rạch. (Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bắc Carolina đã thực hiện một nghiên cứu chứng minh cây trồng có thể được sử dụng để làm giảm tác hại của các loại nhiên liệu bị rò rỉ ngấm vào đất và nước ngầm. Đây được gọi là công nghệ xanh - cây cối loại bỏ được các chất gây ô nhiễm hoặc làm cho các chất này trở nên vô hại. Công nghệ xanh này sử dụng cây xanh để hấp thu những kim loại nặng từ đất vào rễ của chúng. Công nghệ xanh này rất tiết kiệm chi phí và là một công nghệ mang tính bền vững. Cây trồng đã giúp nhiên liệu trong đất không bị nhiễm vào nước sông bằng việc làm chậm dòng chảy của nước ngầm. Cây cối cần nước để quang hợp do đó chúng hấp thu nước ngầm và quá trình này làm chậm dòng chảy của nước ngầm hướng ra dòng sông. Trong quá trình hấp thu nước ngầm, cây cối có thể hấp thu cả những chất gây ô nhiễm có trong nhiên liệu. Một số chất gây ô nhiễm sẽ bị mất dần tác dụng trong quá trình này và một số chất khác được thải vào không khí qua lá cây và các bộ phận khác của cây. Cây cối cũng có thể làm tăng số lượng và sự đa dạng của các vi sinh vật có trong đất xung quanh rễ cây. Một số vi sinh vật này sẽ làm giảm tác hại của nhiên liệu vẫn còn trong đất)

 

Cần đầu tư nuôi theo khả năng tài chính và nuôi đúng kỹ thuật để giảm giá thành.

Tức là, nếu có vốn ít, có ao hầm nhỏ thì nuôi nhỏ, nuôi ít. Thả nuôi cá giống với số lượng vừa khả năng đồng vốn thì sẽ chủ động nuôi lưu vụ hoặc nuôi giản vụ khi thị trường cá giống không suôn sẻ. Giá thức ăn công nghiệp tăng cao làm đội giá thành thì sử dụng thức ăn tự chế, tìm chọn nguyên liệu và phối hợp làm sao để vừa rẻ tiền mà vẫn đảm bảo chất lượng và hàm lượng đạm phù hợp cho tăng trưởng của cá. Tình hình cá tra bột bị kém sức khỏe do đẻ ép, hay thời tiết bất lợi dễ gây bệnh cho cá, thì để khắc phục hạn chế cá bị bệnh, trước khi chuẩn bị thả giống và trước mùa dịch bệnh, cố gắng nghiên cứu tài liệu khuyến ngư, và làm theo hướng dẫn của cán bộ thủy sản. Cũng các biện pháp nuôi giảm giá thành, đã có nhiều nông dân luôn đạt thành công nhờ thực hiện nuôi thưa, chỉ thả 20 con cá tra giống/m2 ao. Trong suốt vụ nuôi thường xuyên hút bùn đáy ao. Nước sạch, cộng với cá sống trong môi trường rộng rãi nên rất ít khi bị bệnh. Thả nuôi vừa sức, phòng khi thị trường sụt giảm giá mua thì cũng có thể kéo giản chờ thời cơ mà không sợ chật hầm.

 

Biện pháp cho cá ăn vừa đủ no vào buổi chiều và chỉ bơm nước vào ban đêm cũng đem lại hiệu quả cao. Cho cá ăn 01 lần/ngày với số lượng vừa phải sẽ giúp giảm rủi ro do dịch bệnh, nhất là bệnh về đường ruột. Thực hiện bơm nước cho ao nuôi vào thời gian từ 10 giờ đêm đến rạng sáng hôm sau là nhằm cung cấp kịp thời lượng oxy bị thiếu hụt do cá đã hô hấp mạnh từ chiều đến tối. Phần lớn chất thải của cá đã kịp thời được đưa ra khỏi ao, đồng thời ao được cung cấp nguồn nước mới có nhiều dưỡng khí, nên sẽ giúp cá khỏe mạnh cả ngày, tiêu hóa thức ăn tốt hơn và cá cũng đạt chất lượng trắng đẹp.

 

Xác định, khâu giống là then chốt để phát triển nghề nuôi cá tra

Bởi chỉ có con giống tốt mới thực hiện được việc giảm giá thành, mới nuôi được đàn cá thịt chất lượng cao. Sinh sản nhân tạo cá tra bột được An Giang triển khai từ giữa thập niên 80, khi mà nghề khai thác cá tra bột trên sông vẫn còn mang lại nhiều lợi nhuận cho ngư dân. Sau hơn 30 năm phát triển, nghề cho cá tra đẻ và ương giống cá tra đã trở thành phong trào rộng khắp. Chỉ riêng An Giang và Đồng Tháp đã sản xuất lượng cá tra giống đạt gần 90% tổng số cá tra giống của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và luân phiên là địa phương nuôi được lượng cá tra thương phẩm đứng đầu cả nước.

 

Nghề nuôi thương phẩm càng phát triển thì nhu cầu cá giống càng tăng cao. Rất nhiều hộ nông dân có ao lớn ao nhỏ gì cũng đưa vào ương giống. Thế nhưng, những khi cá thịt bị tồn đọng, thì giá cá giống bị giảm sâu. Giá bán đã giảm, lại thường xuyên gặp sự cố môi trường nên tỉ lệ ương từ cá tra bột thành cá tra giống ngày một giảm hẳn, và hộ ương nuôi giống thật sự đã gặp rất nhiều khó khăn. Người nuôi cá thịt, người ương nuôi giống đều chịu chung thua thiệt, vậy phải chăng người sản xuất giống đã hưởng trọn phần hơn? Thực tế là không phải như vậy, bởi có rất nhiều lò cho đẻ cá tra bột đã giải nghệ. Sự không phát triển do nhiều nguyên nhân, do thị trường giảm mua, do môi trường nước ngày càng xấu đi,.. nhưng nguyên nhân chính, có lẽ là do chất lượng cá tra bố mẹ quá giảm sút nên sản lượng cá bột ngày càng ít đi.

 

Vậy chỉ có giải pháp duy nhất là cần phải thành lập vùng chuyên biệt sản xuất cá tra giống với quy mô lớn để thực hiện việc kiểm soát quy trình đồng bộ. Có như vậy mới tránh được trường hợp phải mua cá tra giống từ nhiều ao hầm về thả chung vào một ao sẽ dễ bị tích tụ nhiều nguồn bệnh.

 

Tại Hội nghị ngày 21/8/2018, chủ đề “Sơ kết sản xuất, tiêu thụ cá tra và triển khai Đề án giống cá tra 3 cấp”, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã chia sẻ: An Giang là một trong bốn tỉnh vùng ĐBSCL nuôi cá tra nhiều nhất, là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, sau cây lúa. Tuy nhiên do chất lượng con giống khá kém nên lợi nhuận của nông dân nuôi cá tra ngày càng giảm thấp, dẫn đến sự phát triển nghề nuôi chưa thật sự bền vững. Hy vọng rằng, qua Hội nghị này, Đề án giống cá tra 3 cấp sẽ được triển khai để tạo bước đột phá, cung cấp cho thị trường những lô giống cá tra chất lượng tốt để nghề nuôi thương phẩm luôn đạt hiệu quả cao.

 

Kim Kiều

Trung tâm Khuyến nông An Giang

 

 


 
 
 
 
 
Web Content Viewer
Skip portlet Portlet Menu
Warning

Warning

Invalid configuration found. Please contact your administrator.

 
 

Giải đáp kỹ thuật
Skip portlet Portlet Menu
 
 

Hình ảnh
Skip portlet Portlet Menu
 

Video
Skip portlet Portlet Menu
3 Giảm 3 Tăng - 1 Phải 5 Giảm giúp nông dân An Giang giảm chi phí, tăng thu nhập
Đang tải....